Phú Xuyên: Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

09:49 | 01/06/2022
(LĐTĐ) Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp cũng như tích cực vận động người dân hiểu rõ lợi ích của công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, đã thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó, tập trung phát triển nhiều mô hình nuôi trồng đặc sản, tạo điều kiện nông dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Đưa rau cần Khai Thái trở thành sản phẩm thế mạnh Công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới

Để tạo điều kiện cho người nông dân phát triển mô hình, huyện đã ban hành nhiều văn bản về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Đề án phát triển Rau an toàn, hoa cây cảnh; công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn…

Kết quả, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện là trên 2.830ha. Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, cơ cấu cây trồng của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Cơ cấu được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã tăng lên trên 2.500ha, trong đó: vùng nuôi chuyên canh là 2.338ha, nuôi hình thức khác là 174,18ha.

Phú Xuyên: Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Mô hình nuôi đà điểu ở xã Khai Thái (Ảnh: Thùy Hương)

Việc đưa các giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao, giống cây con đặc sản vào sản xuất đã giúp tăng giá trị sản xuất, mang lại thu nhập ổn định ở mức cao cho nhiều hộ nông dân trong huyện.

Một trong các mô hình nổi bật đó là mô hình nuôi đà điểu của anh Nguyễn Phú Tiện ở thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái. Anh Tiện đã thuê khoán khu đất ven đê để thực hiện mô hình, ban đầu là vài chục con, đến nay tổng đàn đà điểu của gia đình anh Tiện đã lên tới hơn 300 con. Chu kỳ nuôi đà điểu kéo dài từ 9 - 10 tháng.

Khi đó, đà điểu đạt trọng lượng từ 95kg đến khoảng 1,1 tạ và có thể xuất chuồng. Tuy nhiên, có thể nuôi đến 15 tháng mà đà điểu vẫn tăng cân. Điều này thực tế đã giúp người chăn nuôi điều chỉnh được thời điểm bán ra khi giá thịt đà điểu xuống thấp, phù hợp với diễn biến thị trường.

Hay như mô hình nuôi Chồn hương của anh Trần Gia Khánh ở xã Hồng Minh. Chồn hương hay còn gọi là cầy hương, cân nặng tối đa 5 - 6kg, dài thân 540 - 630mm.

Về tập tính sinh sản, chồn hương ở ngoài thiên nhiên một năm đẻ được 1 lứa, chồn hương đã được thuần hóa thì một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình từ 3 - 6 con.

Đặc biệt, Chồn hương đực có tuyến xạ, sản sinh ra xạ hương, một loại dược liệu quý. Thịt chồn hương rất mềm, thơm, ngọt và ngon, đang trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng, giá bán khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/kg.

Phú Xuyên: Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
Phát triển mô hình nuôi cua, chạch đồng trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả (Ảnh: Thùy Hương)

Cũng là một trong những mô hình nuôi trồng đặc sản, Ban Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lãng, xã Quang Lãng, đã đầu tư gần 1 tỷ đồng phát triển mô hình nuôi cua, chạch đồng trên diện tích 2,2 mẫu cấy lúa kém hiệu quả.

Để triển khai mô hình, Hợp tác xã cải tạo bùn chân ruộng, gia cố các bờ ruộng. Sau đó, bơm nước, thả thêm bèo tây để tạo môi trường sống cho cua, chạch. Nhằm tạo thêm nguồn thức ăn cho cua, chạch, Hợp tác xã xây dựng thí điểm 500m2 chuồng trại nuôi giun quế.

Với lợi thế là địa phương nông nghiệp nên nguồn thức ăn để nuôi giun quế rất dồi dào, dễ thu mua như các phế phẩm nông nghiệp, phân trâu bò. Hiện nay, mô hình chuẩn bị cho thu hoạch cua lứa đầu tiên. Giá bán cua được đánh giá ổn định, đầu ra cũng rất thuận lợi.

Cùng với các mô hình chăn nuôi, trên địa bàn huyện cũng đã phát triển nhiều mô hình trồng giống cây mới như mô hình trồng Nho Hạ đen, trồng Sâm Bố Chính…

Nói về những mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên cho biết: “Việc nuôi trồng các loại nông sản đặc sản đang mở ra hướng phát triển mới cho nông dân, bởi trong khi các loại cây trồng mang tính hàng hóa, bán đại trà dễ rơi vào tình trạng “được mùa - mất giá” thì phân khúc đặc sản luôn giữ giá ổn định, không lo khâu tiêu thụ. Thời gian tới, trên cơ sở cách làm hay, hiệu quả từ thực tiễn, huyện sẽ có đánh giá và hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản”.

Nguyễn Thị Thùy Hương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này