Hành trình 20 năm theo “dấu chân” SEA Games

09:21 | 31/05/2022
(LĐTĐ) SEA Games 31 đã kết thúc được hơn 1 tuần, thế nhưng với ông Nguyễn Quang Tuấn (74 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn còn đọng lại nhiều cảm xúc. Đó là dư âm của một kỳ Đại hội thể thao với nhiều thành tích xuất sắc. Góp phần cho sự thành công phải kể đến những cổ động viên nhiệt tình trên cả nước, mà ông Tuấn là một ví dụ. Suốt 20 năm qua, ông Tuấn đã miệt mài đi theo “dấu chân” SEA Games, đến tận nơi cổ vũ cho đoàn thể thao Việt Nam tham gia thi đấu.
Gặp gỡ vận động viên Hà Nội đoạt Huy chương Vàng SEA Games 31 SEA Games 31: Đằng sau những tấm huy chương

Dành 8 tháng lương hưu đi cổ vũ SEA Games

Ông Nguyễn Quang Tuấn đam mê bóng đá từ nhỏ. Ngày còn là quân nhân, ông từng là cầu thủ bóng đá nghiệp dư. Về hưu năm 1989, ông quyết định dành trọn đam mê cho bộ môn bóng đá. Trong suốt bao năm qua, ông Tuấn đã theo chân các đội tuyển Việt Nam qua không biết bao kỳ đại hội SEA Games, AFF Cup… đi gần hết sân vận động khắp cả nước, nhiều sân vận động nước ngoài để cổ vũ. Nhắc đến ông Tuấn, người ta nhớ ngay đến cái tên ông “Tuấn Trâu vàng” hay “Cổ động viên số 1 Việt Nam”.

Hành trình 20 năm theo “dấu chân” SEA Games
Ông Nguyễn Quang Tuấn cùng các cổ động viên nhiệt thành khác thắp đỏ tinh thần yêu bóng đá. Ảnh: NVCC

Sở dĩ, ông Tuấn được nhiều người ưu ái gọi tên như vậy là bởi 20 năm qua, ông chưa bỏ lỡ kỳ SEA Games nào. Cứ mỗi mùa SEA Games đến, ông lại cùng những người bạn của mình lên kế hoạch đi cổ vũ cho đoàn thể thao Việt Nam. Đặc biệt, ông còn làm 9 chiếc mũ phỏng theo hình linh vật SEA Games và đi đến tận nơi cổ vũ cho các vận động viên tham gia thi đấu. Để chi trả cho “sự nghiệp” cổ động viên, phần lương hưu hàng tháng ông đều dành trọn để làm mũ linh vật, hay tài trợ cho những chuyến đi nước ngoài cổ vũ đội tuyển. Năm 2011, SEA Games 26 được tổ chức tại Indonesia, ông Tuấn bỏ ra 8 tháng lương hưu, tương đương 32 triệu đồng. Đây là chuyến đi tốn kém nhất, cũng là chuyến đi để lại nhiều kỉ niệm cho ông Tuấn.

Chia sẻ về hành trình theo “dấu chân” SEA Games đi cổ vũ cho Việt Nam, ông Tuấn cho biết: “Cách đây 20 năm, tôi thấy người ta đến các sân vận động cổ vũ cuồng nhiệt nhưng chưa để lại dấu ấn, khán đài khi ấy không nhiều màu sắc. Nghĩ phải làm điều gì ấn tượng và độc đáo để thể hiện tình yêu bóng đá, tôi đã nhờ họa sĩ Phạm Viết Song họa mặt. Tôi đi dọc bờ hồ Hoàn Kiếm đến sân Hàng Đẫy, ai cũng ngước nhìn và khen đẹp. Đó chính là động lực khiến cho tôi quyết tâm phải tạo ra dấu ấn cho riêng mình mỗi khi ra khán đài”, ông Tuấn nhớ lại.

Đến năm 2003, SEA Games lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, ông Tuấn bắt đầu lên ý tưởng về trang phục, phụ kiện để đi cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam. Theo đó, ông dự định làm một chiếc đầu trâu lớn bằng tre, mây (loại giống đầu lân) để đi cổ vũ. Tuy nhiên, sát ngày khai mạc vẫn chưa xong, ông Tuấn chuyển hướng làm mũ sừng trâu. Cặp sừng trâu dựng bằng cốt tre, bên ngoài bồi giấy xi măng, sơn đen, có trang trí họa tiết, nặng gần 4 kg, cao 60 cm, mất gần một tuần để hoàn thiện. Ngay trong trận xuất quân của đội tuyển bóng đá nam, người hâm mộ thích thú thấy người đàn ông ngoài 50 tuổi, vẽ mặt, đầu đội sừng trâu, mặc quần vàng, áo đỏ nổi bật trên khán đài. Từ đôi sừng trâu đó mà ông được người hâm mộ bóng đá cả nước gọi là ông “Tuấn Trâu vàng”.

Ngay sau kỳ SEA Games năm 2003 gây ấn tượng sâu sắc với cổ động viên cả nước, mỗi kỳ SEA Games sau đó, ông Tuấn đều đặt may 2 bộ quần áo và mũ linh vật. 20 năm qua, ông Tuấn đã làm được 9 mũ linh vật SEA Games như: Đại bàng Gilas (2005), Mèo Can (2007), Voi Champa và Champi (2009), Rồng Komodo (2011), Cú mèo (2013), Sư tử biển Nila (2015), Hổ Rimau (2017), Qủa bóng xốp Pami (2019) và năm nay là cặp Sao La… Ngoài ra, tại một số giải đấu trong nước, ông cũng tạo sự khác biệt bằng những mũ linh vật độc đáo hoặc trang phục nổi bật.

Tiếp “lửa” cho các vận động viên

Những năm qua, được sự hậu thuẫn, động viên, chia sẻ từ gia đình, ông Tuấn miệt mài đi theo niềm đam mê của mình. Ông bỏ thời gian, công sức để cống hiến cho sự thành công của mỗi kỳ SEA Games. Đặc biệt, trong những chuyến đi cổ vũ đội tuyển nước nhà, ông Tuấn đều cố gắng mang theo mũ linh vật. Không ít lần khi ra nước ngoài cổ vũ, chiếc mũ cồng kềnh, cao đến nửa mét, bị nhân viên sân bay hay bảo vệ sân vận động giữ lại. Ông Tuấn mất nhiều thời gian giải thích, nhờ can thiệp để thông qua. Ông Tuấn bày tỏ: “Mặc dù hành trình đi cổ vũ SEA Games đầy những khó khăn, vất vả nhưng tôi cảm thấy rất vui khi được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự thành công của SEA Games. Mỗi lần đến các sân cổ vũ, được chứng kiến không khí sôi động, tiếp lửa cho các vận động viên đang thi đấu tôi cảm thấy vô cùng tự hào”.

Ông Tuấn nhớ lại kỳ SEA Games 2015 tổ chức tại Singapore, khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thua tuyển Myanmar mọi người về hết, ông vẫn ngồi trên khán đài bật khóc. “Tôi luôn tin tưởng thắng lợi của đội tuyển. Nếu không may đội nhà bị thủng lưới, tôi càng quyết tâm cổ vũ mạnh mẽ hơn, để tiếp sức các cầu thủ lấy lại tinh thần chiến đấu. Còn sức khỏe ngày nào, tôi còn đi theo đội tuyển ngày đó”, ông Tuấn chia sẻ.

Được biết, để chuẩn bị cho mỗi kỳ SEA Games, ông Tuấn thường lên kế hoạch trước đó cả năm. Theo đó, ông tìm hiểu linh vật của mỗi kỳ SEA Games, sau đó lên ý tưởng để chuẩn bị. Mũ đơn giản nhất, ông Tuấn làm trong khoảng chục ngày. Nhưng có những chiếc mũ cầu kỳ, như mũ linh vật sư tử biển SEA Games 28 (năm 2015), ông phải miệt mài chế tác hơn 3 tháng. “Có những chiếc mũ tôi tự làm 100%, làm say mê đến 1-2h sáng, quên ăn quên ngủ. Thế nhưng do tuổi cao, sức khỏe yếu, có những lần tôi phải nhờ người hỗ trợ chế tạo khung rồi tự mình trang trí thêm”, ông Tuấn bày tỏ.

Ví dụ như SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, khi Sao la được chọn là linh vật của SEA Games, ông Tuấn đã lên ý tưởng về cặp mũ Sao la từ rất lâu trước đó. Thế nhưng gần đến ngày công việc bị gián đoạn do sức khỏe yếu, phải nằm viện điều trị 15 ngày. Để kịp tiến độ, ông nhờ người bạn thân dựng trước khung và cắt gọn mũ. Xuất viện, ông dành 5 ngày liên tiếp để làm. Cũng như những chiếc mũ trước, mũ Sao la trải qua 5 bước, gồm nghiên cứu hình dáng linh vật; tạo khung bằng nan tre, xốp, lồng bàn, đồ dùng bằng nhựa sẵn có; bồi nhiều lớp giấy xi măng cho cứng hoặc gọt xốp đắp lên khung; tô màu, phủ nhũ; hoàn thiện.

Những ngày SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam, ông Tuấn cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Bởi, sau 19 năm Việt Nam mới lại đăng cai tổ chức kỳ Đại hội thể thao mang tầm cỡ khu vực. Chính vì vậy, trong những ngày diễn ra các môn thi đấu, ông Tuấn cũng tranh thủ đi đến các địa điểm thi đấu tại Hà Nội để cổ vũ cho các vận động viên.

Đặc biệt, đối với hai môn bóng đá nam và nữ, ông Tuấn không tiếc công sức lên tận Sân vận động Việt Trì (Phú Thọ), đến Sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh), đặc biệt là có mặt tại Sân vận động Mỹ Đình để cổ vũ. Mỗi lần đến các sân bóng, ông Tuấn đều nổi bật với bộ trang phục đỏ và cặp mũ Sao la “khổng lồ”. Ông cùng các cổ động viên nhiệt thành khác đã thắp đỏ tinh thần yêu bóng đá. Sau cặp Sao la, ông Tuấn cũng đã dự định chế tác cặp Thỏ mặc trang phục truyền thống Khmer cho SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia năm 2023./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này