Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Người dân ủng hộ và kỳ vọng vào sự phát triển, khả năng kết nối liên vùng

10:05 | 02/06/2022
(LĐTĐ) Tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và Vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm. Với ý nghĩa như vậy, người dân Hà Nội bày tỏ kỳ vọng tuyến đường sẽ là động lực phát triển cho Vùng Thủ đô, gia tăng khả năng kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.
Thống nhất, minh bạch trong bồi thường khi triển khai Dự án đường Vành đai 4 Sớm ban hành quy định mức lương tối thiểu và đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai gồm: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5, kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.

Riêng Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh và tuyến nối với quốc lộ 18. Trong đó đoạn qua Hà Nội đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại Km40+500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Bên cạnh đó có 9,7km đường nối từ cuối đường Vành đai 4, từ cao tốc Nội Bài - Hạ Long theo quy hoạch đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín dự án.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ, Thủ đô Hà Nội là hạt nhân của Vùng Thủ đô, đồng thời cũng là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ.

Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung, tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, tạo sức hút giãn mật độ dân cư ra ngoài khu vực trung tâm, từ đó, định hướng và phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có, đảm bảo mối liên kết vùng, tạo thuận lợi lan tỏa, kết nối, phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Người dân ủng hộ và kỳ vọng vào sự phát triển, khả năng kết nối liên vùng
Thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ (ảnh minh họa)

Có thể thấy, đối với Vùng Thủ đô nói chung và Hà Nội nói riêng, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Với việc kết nối nhiều cụm công nghiệp, khu đô thị, tỉnh, thành phố, tuyến đường giúp giao thương trong nội bộ Vùng Thủ đô trở nên dễ dàng hơn. Một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng, tới ven biển Bắc Bộ.

Tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này tại kỳ họp thứ 3 tới đây.

Sau 10 năm ấp ủ, đến nay, Hà Nội và các tỉnh liên quan có cơ hội hiện thực hóa Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực của Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhân dân Thủ đô, đặc biệt, người dân ven đô mong mỏi dự án sớm được đầu tư xây dựng.

Là một trong những người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn huyện Mê Linh - nơi tuyến đường Vành đai 4 sẽ đi qua, anh Nguyễn Nhân Đại cho biết, anh rất mong dự án Vành đai 4 được triển khai nhanh chóng để giao thông thuận tiện kết nối với nội thành và các tỉnh lân cận.

Anh Đại chia sẻ, người dân Mê Linh chủ yếu là kinh doanh buôn bán hoa, cây cảnh và các loại rau củ. Hiện nay, để tiêu thụ hàng hóa, người dân của huyện liên kết với các đại lý ở nhiều khu vực. Việc phải di chuyển nhiều, trong khi đó với mật độ giao thông đông đúc như hiện nay thì các hộ buôn bán phải gánh chi phí đi lại khá tốn kém. Bởi vậy, tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tăng cường trao đổi, liên kết hàng hóa giữa các vùng.

“Với bản thân tôi, tuyến đường Vành đai 4 đặc biệt mong chờ. Khi tuyến đường hình thành, việc đi lại từ vùng ven Hà Nội vào khu vực trung tâm hay các tỉnh lân cận không có gì là trở ngại. Đây sẽ là cơ hội để quê hương tôi phát triển kinh tế, đẩy mạnh nghề trồng hoa và phát huy thế mạnh về du lịch lịch sử vốn có”, anh Đại chia sẻ.

Tương tự, ông Phạm Xuân Hội (huyện Sóc Sơn) cũng bày tỏ suy nghĩ, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của các huyện ngoại thành. “Điểm đầu của tuyến đường Vành đai 4 là tại xã Thanh Xuân của huyện Sóc Sơn. Người dân trong huyện rất vui mừng khi nghe tin Vành đai 4 sắp được đưa ra Quốc hội xem xét để triển khai, bởi đây là cơ hội giúp cho vùng quê thu hẹp khoảng cách với vùng đô thị trung tâm. Khi có hạ tầng, doanh nghiệp sẽ dần tìm đến xây dựng nhà máy, xí nghiệp, sản xuất, kinh doanh thương mại. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao chất lượng sống người dân vùng ven”, ông Hội nói.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Người dân ủng hộ và kỳ vọng vào sự phát triển, khả năng kết nối liên vùng
Tuyến đường Vành đai 4 kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực cho tuyến đường Vành đai 3.

“Hà Nội hiện đang có tuyến đường Vành đai 3, không chỉ bản thân tôi mà các loại xe chở người, hàng hóa qua địa bàn Thủ đô hầu như đều đi qua tuyến đường này dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc, quá tải ở khung giờ cao điểm. Đặc biệt dịp nghỉ lễ mọi người đổ dồn về đây, có khi đi 2 - 3km mất đến cả tiếng đồng hồ. Tôi mong mỏi vô cùng tuyến Vành đai 4 sẽ triển khai suôn sẻ, các cấp chức năng có kế hoạch rõ ràng, dứt khoát, làm nhanh vì lợi ích của người dân”, anh Đặng Văn Vạn, một tài xế xe khách cho hay.

Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Muốn nền kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng nói chung, giao thông phải đi trước một bước. Đặc thù của tuyến đường Vành đai 4 là kết nối với tất cả các tuyến còn lại, có thể coi là “Vành đai kết nối mọi vành đai”, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tuyến đường Vành đai 4 chính là lối thoát chiến lược đối với những tình huống khó khăn đột biến, đồng thời là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối tới toàn vùng Bắc Bộ. Thực tế tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường cửa ngõ và trung tâm Thủ đô, việc đầu tư thêm các tuyến đường vành đai, trong đó có Vành đai 4 là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài để đáp ứng được lưu lượng phương tiện ngày càng gia tăng của Hà Nội, mở hướng tránh các luồng lưu thông quá cảnh đi qua khu vực trung tâm, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

P.Ngân - L.Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này