SEA Games 31: Đằng sau những tấm huy chương

13:29 | 29/05/2022
(LĐTĐ) Để giành được những tấm huy chương cao quý, để có thể bước lên bục vinh quang, khoác trên vai lá cờ Việt Nam và ngẩng cao đầu tự hào khi tiếng nhạc Quốc ca Việt Nam vang lên sau mỗi trận đấu, các vận động viên đã đánh đổi mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu và cả tuổi thanh xuân của mình. Câu chuyện những “cô gái vàng” của đoàn thể thao Hà Nội khổ luyện, vượt qua khó khăn để thi đấu SEA Games 31, đóng góp vào chiến thắng chung của Việt Nam khiến nhiều người cảm động.
Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 305 cá nhân có thành tích xuất sắc tại SEA Games 31 Thanh tra Sở GTVT Hà Nội: Tổng lực phục vụ SEA Games 31 tại Hà Nội Gặp gỡ vận động viên Hà Nội đoạt Huy chương Vàng SEA Games 31

Họ thực sự là những tấm gương tuyệt vời về đức hy sinh, ý chí, nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh để cống hiến cho nền thể thao nước nhà, thể hiện tinh thần thể thao cao thượng, kiên cường, đóng góp lớn cho thành tựu rực rỡ của đoàn thể thao Việt Nam trong kỳ SEA Games lần này.

Là vận động viên được cho là đã đi vào lịch sử SEA Games 31 khi “mở hàng” với tấm Huy chương Vàng môn Kurash, vận động viên Tô Thị Trang cho biết, khi tập luyện trước thềm SEA Games 31, cô rất áp lực. Nhưng được sự động viên của huấn luyện viên và quyết tâm giành chiến thắng, Tô Thị Trang đã nỗ lực hết mình, tập trung cho các trận đấu trước mắt.

SEA Games 31: Đằng sau những tấm huy chương
Nữ võ sĩ Tô Thị Trang đã mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam khi giành ngôi vô địch môn Kurash nữ nội dung 48 kg

Câu chuyện của Trang khiến nhiều người không cầm được nước mắt. “Trước khi thi đấu, tôi nhận được tin bố bị ốm. Tôi gọi điện hỏi bố có khỏe không? Bố nói “Bố khoẻ và con cứ yên tâm thi đấu cho tốt”. Tôi hỏi: “Bố có nói thật không?”. Bố tôi khẳng định là thật. Nghe thế, dù trong lòng không yên tâm nhưng tôi vẫn dặn: “Bố hãy đợi con về nhé và nếu không khỏe thì không cần đến cổ vũ con thi đấu”.

Sau khi thi đấu, tôi mang theo tấm Huy chương Vàng trên tay đến thăm bố và sững sờ khi nhìn thấy bố đang nằm trên giường với nhiều dây rợ quanh người. Tôi đến bên bố và nói: “Hôm nay con được Huy chương Vàng bố ạ! Bố tỉnh dậy chúc mừng con đi…”. Tôi đã đặt tấm Huy chương Vàng vào tay bố và tin rằng bố luôn tự hào về mình. Tôi hứa với bố sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ và các em”.

Cô gái vàng còn chia sẻ, trước khi thi đấu, cô cùng các vận động viên khác được vào Lăng viếng Bác. Ghi nhớ lời dạy của Bác về nỗ lực và ý chí vươn lên đối với thanh niên, cô đã quyết tâm giành chiến thắng, mang vinh quang về cho nước nhà.

Không chỉ nuốt nước mắt vào lòng để tập trung thi đấu, các nữ vận động viên còn trải qua bao ngày tháng khổ luyện, vượt qua chính mình để chạm tay tới ngôi vô địch. Vận động viên điền kinh Khuất Phương Anh cho biết, sau khi kết thúc SEA Games 30, cô gặp chấn thương rất nặng. Tới ngày 20/11 cô mới ra viện thì đến ngày 27/11 đã lên đường tham dự SEA Games 31. Có lúc Phương Anh từng nghĩ bản thân không thể chạm tay tới tấm huy chương, nhưng vì màu cờ sắc áo, vì niềm tự hào là nước chủ nhà, cô đã nỗ lực đến 200% để cháy hết mình, giành chiến thắng.

SEA Games 31: Đằng sau những tấm huy chương
Chân chạy người Phúc Thọ Khuất Phương Anh đem về thêm một tấm Huy chương Vàng cho điền kinh Việt Nam

Tiếp nối những câu chuyện của các cô gái vàng Thủ đô, vận động viên Rowing Đinh Thị Hảo chia sẻ, sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, nhưng gia đình luôn ủng hộ và là nguồn động viên lớn nhất để Hảo cống hiến cho thể thao. Đinh Thị Hảo là một trong số ít các nữ vận động viên, thậm chí tính trong cả vận động viên nam và nữ đã lập hat trick với 3 Huy chương Vàng Rowing.

Chia sẻ về cảm xúc khi nhận được nguồn cổ vũ, động viên, tiếp xúc của gia đình và người thân, Đinh Thị Hảo nghẹn ngào: “Gia đình là luôn là hậu phương vững chắc nhất của tôi từ khi tôi tham gia thi đấu thể thao. Ngày đầu tiên tôi thi đấu, bố mẹ chưa thu xếp được công việc chăn nuôi nên không đến cổ vũ được. Ngày thứ 2 thi đấu, bà ngoại và mẹ đã đến cổ vũ cho tôi. Đây là động lực tinh thần rất nên dù phải thi đấu dưới áp lực lớn, tôi đã cố gắng nhiều hơn, về đích nhanh nhất để không phụ lòng gia đình và người hâm mộ luôn đứng sau cổ vũ, động viên hết mình”.

Tại buổi giao lưu với người hâm mộ, Vận động viên khiêu vũ thể thao Đặng Thu Hương đã cháy hết mình trên sân khấu với điệu nhảy mang lại cho cô tấm Huy chương Vàng SEA Games 31. Đặng Thu Hương đoạt 3 Huy chương Vàng ở cả 3 nội dung thi đấu: Vô địch điệu đơn Paso, vô địch điệu đơn Jive và 5 điệu Latin. Thế nhưng đằng sau tấm huy chương ấy là những tháng ngày khổ luyện và hy sinh.

SEA Games 31: Đằng sau những tấm huy chương
Các nữ vận động viên chia sẻ câu chuyện xúc động tại chương trình "Khát vọng vinh quang" diễn ra tại Hà Nội

“Tôi tập luyện trở lại chỉ sau 2 tháng nghỉ sinh con, tôi lại sinh mổ nên sự đau đớn vẫn còn. Sau đó lại là quá trình phải xa con nhỏ. Nhưng, niềm tự hào dân tộc chính là động lực, là tiếng gọi lớn nhất để tôi nỗ lực vượt khó vươn lên. Khi đã bước lên sàn thi đấu, tôi luôn khát khao được làm những điều gì đó cho Tổ quốc và thấy như Tổ quốc đang gọi mình”, nữ vận động viên chia sẻ.

Và bên cạnh các nữ vận động viên, những người trực tiếp ra sàn đấu còn có các huấn luyện viên luôn cùng họ đổ mồ hôi và nước mắt trên sân tập.

Huấn luyện viên Karate Nguyễn Hoàng Ngân chia sẻ, sau 19 năm tham gia thể thao, lần đầu tiên chị tham dự SEA Games năm 2003. Nhưng trong giờ phút này, khi đang đứng trên cương vị là huấn luyện viên bộ môn Karate, giúp cho các học trò của mình thành công trong sự nghiệp thể thao, chị cảm thấy tự hào hơn bao giờ hết.

SEA Games 31: Đằng sau những tấm huy chương
Đặng Thu Hương trình diễn trong buổi giao lưu "Khát vọng vinh quang"

Được mệnh danh là “Nữ hoàng Karate” với bảng thành tích vô cùng chói lọi, Nguyễn Hoàng Ngân nhiều năm liền đạt Huy chương Vàng SEA Games, năm 2015 đạt Huy chương Vàng giải Vô địch Châu Á... Trong công tác huấn luyện, Nguyễn Hoàng Ngân luôn truyền lửa cho các học trò của mình. Bởi chị cũng từng là một vận động viên, từng vượt qua nhiều khó khăn trong hành trình vươn tới vinh quang trong lĩnh vực thể thao. Chị cũng từng trải qua nước mắt, khó khăn vì áp lực. Giờ đây Hoàng Ngân muốn truyền lửa cho các vận động viên, để sau mỗi lần thất bại, các vận động viên vẫn luôn tự tin đứng lên bằng đôi chân của mình.

Vẫn còn nhiều những câu chuyện xúc động đằng sau những tấm huy chương ấy. Đó là sự hi sinh của các nữ vận động viên, huấn luyện viên trong cuộc sống gia đình, khi tạm gác lại vai trò làm vợ, làm mẹ, thậm chí không được ở bên người thân trong giây phút sinh ly tử biệt để hoàn thành nghĩa vụ thi đấu, mang về thành tích vinh quang cho đất nước

Chính tinh thần chuyên nghiệp, luôn vượt lên chính mình ấy đã giúp đoàn Thể thao Việt Nam giành Nhất toàn đoàn, vượt rất xa đối thủ trên bảng tổng sắp huy chương. Các cô gái Vàng của chúng ta đã một lần nữa tạo được những dấu ấn trên mọi chiến tuyến, khẳng định vai trò to lớn của giới nữ trong thể thao.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này