Đại biểu Quốc hội kiến nghị quản lý giá sách giáo khoa

19:21 | 27/05/2022
(LĐTĐ) Việc tăng giá sách giáo khoa luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, nhất là các bậc cha mẹ học sinh. Bên hành lang Quốc hội chiều 27/5, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đã trao đổi với báo chí quan điểm của ông về thực trạng giá sách giáo khoa hiện nay.
Đại biểu Quốc hội băn khoăn liệu có những “vụ Việt Á” trong lựa chọn sách giáo khoa? Hà Nội: Phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sách giáo khoa theo bộ mới biên soạn không phải là sách dùng 1 lần

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, vì giá sách giáo khoa có ảnh hưởng lớn, nên việc tăng giá phải “tính đúng, tính đủ, cân đong đo đếm”. Ví dụ chi phí đầu vào tăng có mức độ, chỉ tăng 1,5 lần nhưng lại tăng giá lên gấp 2, 3 lần thì không hợp lý.

“Tăng giá sách giáo khoa là chuyện quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính”, đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu, Luật Giá hiện hành quy định, những việc liên quan từng Bộ chuyên ngành thì Bộ đó có quyền ban hành quy định quản lý về giá, trong đó sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị quản lý giá sách giáo khoa
Đại biểu Phạm Văn Hòa trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/5.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có sự kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính và nếu có sự kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính thì tình hình loạn giá của sách giáo khoa sẽ hạn chế.

“Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét lại Luật Giá hiện nay có bất cập không. Theo tôi, hiện nay đã bất cập trong việc Bộ Tài chính không tham gia việc quản lý giá chuyên ngành của Bộ, chuyên ngành về tất cả giá dịch vụ”, đại biểu nói và cho rằng vấn đề quản lý giá phải có sự quản lý Nhà nước và Bộ Tài chính tham gia.

Trả lời câu hỏi về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết ông rất hoan nghênh điều này.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, không nên để thiệt thòi cho những người biên soạn, in sách vì họ phải đầu tư trí tuệ, nguồn lực, quyền lợi đó họ phải được hưởng với mức hợp lý, hài hòa.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng, làm sách giáo khoa cần phải tính đến tuổi thọ sách, đối tượng sử dụng nên cần cân nhắc chất lượng in, vật liệu cho phù hợp.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị quản lý giá sách giáo khoa
Toàn cảnh phiên họp chiều 27/5

“Sách giáo khoa là sản phẩm thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp. Nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu.

Ông Lượng cũng cho biết, 3 năm trước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có giám sát, báo cáo gửi đến các bộ ngành về vấn đề sách giáo khoa. Qua đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng cường quản lý giá sách.

Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của đoàn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, khi so sánh giá, nên so sánh tương đồng giữa các sách. Cụ thể như các sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với nhau, ví dụ sách mới cho lớp 1, 2, 3, 7, 10. Những bộ sách này biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, với quy trình biên soạn hoàn toàn do các doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Các bộ sách lớp 3, 7, 10 như giá thành sách của Nhà xuất bản Giáo dục năm nay giảm 10-15% so với các sách tương ứng bộ mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu tăng lên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được, chứ không phải là sách dùng 1 lần.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi loại sách dành 25.000 bản phát cho học sinh vùng xa. Đồng thời, khi sách chưa phát hành, nhà xuất bản đã phải cung cấp bản PDF trên trang web, học sinh có thể tải xuống thuận tiện.

H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này