Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng xét khen thưởng là “những người lao động khác”

15:16 | 27/05/2022
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 27/5, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Nghiên cứu cơ chế đặc thù vùng có tính liên kết, lan toả cao hơn Đại biểu đánh giá cao kết quả tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sách giáo khoa theo bộ mới biên soạn không phải là sách dùng 1 lần
Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng xét khen thưởng là “những người lao động khác”

Mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) bày tỏ nhất trí đối với phương án mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng nhất trí bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang; đồng tình với đề nghị của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) về bổ sung hình thức "Thư khen” của Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội... vào Dự thảo Luật.

Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng xét khen thưởng là “những người lao động khác”
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung hình thức "Thư khen” vào dự thảo Luật.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) “Thư khen” là hình thức khen thưởng nhanh, thủ tục đơn giản, hiệu quả khích lệ rất lớn, được sử dụng tại nhiều nước, đặc biệt để động viên kịp thời cho các em học sinh, tạo động lực lớn cho người được trao tặng.

Đại biểu cũng phân tích thêm, ngay tại Quốc hội, nếu như trong một kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc là đưa ra những sáng kiến hiệu quả mà được Chủ tịch Quốc hội gửi thư khen sẽ là một điều rất trân trọng. Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật hình thức này và kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực và thường xuyên sử dụng hình thức khen thưởng này.

Tiêu chí xét danh hiệu Gia đình văn hóa cần phù hợp với thực tiễn

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) tán thành với phương án bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú".

Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng xét khen thưởng là “những người lao động khác”
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) tán thành mở rộng đối tượng được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú".

Đại biểu cho rằng quy định này sẽ thể hiện sự quan tâm, trân trọng sự đánh giá và nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn và toàn diện những nỗ lực cống hiến, đóng góp, hy sinh và vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động ở tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật, kể cả nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung danh hiệu Nhà khoa học nhân dân, Nhà khoa học ưu tú vào nhóm danh hiệu vinh dự Nhà nước và bổ sung quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, thời gian xét tặng.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) cũng nhất trí với Phương án 1, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” được xét tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên.

Tiêu chí xét danh hiệu Gia đình văn hóa cần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm bao trùm và công bằng là ý kiến của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương). Theo đại biểu, các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa tại dự thảo Luật còn chưa rõ ràng. Cụ thể như làm thế nào để lượng hóa tiêu chuẩn “có kinh tế ổn định và phát triển”?

Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng xét khen thưởng là “những người lao động khác”
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) cho rằng các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa tại dự thảo Luật còn chưa rõ ràng.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, quy định có kinh tế ổn định và phát triển được xem là một chủ ý tốt nhưng xã hội vẫn còn đó những nhóm yếu thế thì quy định này không những khó lượng hóa mà còn không thể bao trùm và công bằng cho toàn bộ các đối tượng mà nó đặt ra.

Do đó, đại biểu đề nghị không chế định nội dung có kinh tế ổn định và phát triển thành tiêu chuẩn của danh hiệu Gia đình văn hóa nhằm tránh sự lúng túng cho chính quyền địa phương khi quy định chi tiết và đồng thời địa phương cũng sẽ không đủ thông tin dữ liệu để đánh giá tiêu chuẩn có kinh tế ổn định và phát triển và lâu dần sẽ trở nên xuề xòa và hình thức.

Bổ sung đối tượng khen thưởng là “những người lao động khác”

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị bổ sung nguyên tắc về danh hiệu thi đua, cụ thể là danh hiệu thi đua có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng và không tặng nhiều danh hiệu thi đua cho một thành tích trong một phong trào thi đua.

Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng xét khen thưởng là “những người lao động khác”
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị bổ sung nguyên tắc cụ thể về danh hiệu thi đua

Liên quan đến quy định về danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu, đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định chi tiết điều này.

Đại biểu cho rằng, việc xây dựng xã, phường, thị trấn tiêu biểu gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, Chính phủ đã có những quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn, về trình tự, thủ tục công nhận. Điều này rất thuận lợi cho vấn đề triển khai tổ chức, thực hiện đúng như đánh giá, công nhận danh hiệu.

Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định những tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng, xét công nhận xã, phường, thị trấn tiêu biểu, trong đó còn những tiêu chí nào mà mang tính đặc thù của các địa phương thì giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định.

Cho rằng dự thảo Luật chưa bao quát hết các đối tượng là người trực tiếp lao động sản kinh doanh, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhìn nhận, dự thảo Luật mới chỉ quy định tặng cho công nhân, nông nhân, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân mà lại không có đối tượng là những người trực tiếp sản xuất kinh doanh khác.

Trong khi đó, những người sản xuất kinh doanh khác, ví dụ như những tiểu thương, tiểu chủ là những người buôn bán nhỏ… họ không phải là công nhân, họ cũng không phải là nông dân mà họ cũng không là doanh nhân, họ thuộc nhóm là những người lao động khác. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các đối tượng “những người lao động khác” để bao quát hết các đối tượng được xét khen thưởng.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này