Ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp

22:45 | 26/05/2022
(LĐTĐ) Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cùng các đơn vị liên quan phối hợp rà soát quy hoạch, xác định vị trí và bố trí quỹ đất theo quy hoạch để triển khai xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế Công đoàn đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô.
Thống nhất, minh bạch trong bồi thường khi triển khai Dự án đường Vành đai 4 Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua chủ trương bố trí 23.524 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 4 Đoàn kiểm tra Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Chiều 26/5, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội ký kết quy chế phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, đã thu hút đầu tư được 4 dự án mới vốn đăng ký 1 triệu USD và 450 tỷ đồng; 12 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 60 triệu USD và 30 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư 81 triệu USD quy đổi.

Thống kê đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động là 707 dự án, trong đó, có 305 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD; 402 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng. Về kết quả sản xuất kinh doanh, ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là 4.869 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước 238,5 triệu USD; xuất khẩu 3.124 triệu USD.

Những tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội phấn đấu tổng vốn thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp năm 2022 đạt khoảng 400 triệu USD (tăng 28,8% so với năm 2021). Triển khai thành lập 1 khu công nghiệp mới và hoàn thành thủ tục đầu tư 2 - 3 khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Về sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, phấn đấu doanh thu đạt 8,2 tỉ USD; nộp ngân sách 229,4 triệu USD…

Ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp
Lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội trình bày báo cáo.

Để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu và nâng cao hiệu quả quản lý, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất đã ký kết quy chế phối hợp với UBND 9 quận, huyện về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp.

Quy chế phối hợp gồm 3 Chương, 15 Điều. Nội dung đã bám sát các quy định của Trung ương, Thành phố về quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp. Trong đó, tập trung phối hợp trên các lĩnh vực công tác về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai và trật tự xây dựng; công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, về tài nguyên, môi trường, lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và người lao động, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, thời gian qua, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất và UBND các quận, huyện đã phối hợp khá hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp.

Các đơn vị đã kịp thời tham mưu với Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác xây dựng, phát triển các khu công nghiệp; kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề đột xuất phát sinh trong khu công nghiệp, giải quyết kịp thời các vụ đình công, lãn công của người lao động, duy trì đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, không để xảy ra các vụ cháy lớn trong khu công nghiệp.

Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát hai năm vừa qua, UBND các quận, huyện và Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất đã phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác kiểm soát và phòng chống dịch trong khu công nghiệp. Qua đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp được duy trì, góp phần thiết thực vào công tác phục hồi và phát triển kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ban Quản lý KCN&CX và UBND 9 quận, huyện ký kết quy chế phối hợp
Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất cùng UBND 9 quận, huyện ký kết quy chế phối hợp

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, các đơn vị tập trung phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp và dự án đầu tư khu công nghiệp không còn phù hợp và đề xuất bổ sung quy hoạch, thành lập mới các khu công nghiệp với vị trí, quy mô phù hợp, đảm bảo đồng bộ hạ tầng phát triển công nghiệp với hạ tầng xã hội phục vụ các khu công nghiệp.

Đồng thời phối hợp rà soát quy hoạch, xác định vị trí và bố trí quỹ đất theo quy hoạch để triển khai xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế công đoàn đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu, triển khai thành lập, sớm đưa vào vận hành khai thác và thu hút dự án đầu tư vào 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025. Tăng cường phối hợp, trao đổi, nắm bắt thông tin và tình hình doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh. Duy trì thực hiện tốt chế độ thông tin, trao đổi, phối hợp công tác giữa các phòng, ban, đơn vị.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này