Người dân vẫn phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công

20:38 | 25/05/2022
(LĐTĐ) Theo kết quả về chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vừa được Bộ Nội vụ công bố, 10% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần hơn quy định để nhận được kết quả dịch vụ công. Do đó, người dân mong đợi các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục cải thiện, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Quy trình giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Tại hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, năm 2021, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Việc này nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đây là một năm mà việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong cả nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 gây ra. Kết quả đo lường sự hài lòng năm 2021 được phản ánh qua 39 chỉ số nhận định, đánh giá; 30 chỉ số hài lòng và 13 chỉ số mong đợi.

Chỉ số hài lòng năm 2021 được tổng hợp, so sánh giữa 3 nhóm dịch vụ: Nhóm dịch vụ lĩnh vực kinh doanh, nhóm dịch vụ lĩnh vực đất đai, môi trường và nhóm lĩnh vực dịch vụ khác. Việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức năm 2021 đã hoàn thành, lắng nghe được ý kiến phản hồi của 28.372 người dân, tổ chức từ khắp mọi vùng, miền trong cả nước.

Người dân vẫn phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công
Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021.

Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính, tập trung vào 5 yếu tố cơ bản: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức giải quyết công việc; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Kết quả đánh giá về số lần đi lại của người dân, có 29.98% người dân, tổ chức chỉ cần đi lại 1 lần là nhận được kết quả dịch vụ (lấy kết quả ngay); 60.08% đi lại 2 lần (1 lần đi nộp hồ sơ và 1 lần đi lấy kết quả). Số người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần hơn so với quy định để nhận được kết quả dịch vụ là 10.01%, trong đó đi lại 3 lần là 6.75% và từ 4 lần trở lên là 3.26%. Có 61/63 tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng người dân phải đi lại từ 4 lần trở lên để giải quyết thủ tục hành chính.

46/63 tỉnh, thành có người dân, tổ chức trả lời bị công chức phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện dịch vụ công. 22/63 tỉnh có người dân, tổ chức trả lời phải đưa tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định trong thực hiện dịch vụ công.

Đặc biệt, có tới 57/63 tỉnh xảy ra tình trạng trễ hẹn trả kết quả dịch vụ, trong đó chỉ có 4/57 tỉnh thực hiện thông báo cho người dân về việc trễ hẹn và cũng 4/57 tỉnh đã thực hiện xin lỗi.

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung cả nước năm 2021 là 87.16%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của 63 tỉnh nằm trong khoảng 94.07% - 82.79%. Các tỉnh có Chỉ số hài lòng cao ở nhóm đầu (từ 90% trở lên) gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh, Sơn La, Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngược lại, 5 địa phương có chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức thấp nhất trong năm 2021 là Cao Bằng, Bình Phước, Bình Thuận, Quảng Bình, Đắk Lắk.

Cũng theo kết quả được công bố, 3 nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi các cơ quan hành chính nhà nước cải thiện nhiều nhất là: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho rằng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là công cụ theo dõi, đánh giá kết quả, tác động của quá trình triển khai cải cách hành chính tới việc cải thiện chất lượng hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tới lợi của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị căn cứ Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân của những tồn tại, bất cập, xác định rõ trách của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan và xây dựng các giải pháp, cách thức khắc phục.

Người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong phạm vi quản lý của mình. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tập trung cao hơn nữa cải cách thể chế, chính sách; nhất là trách nhiệm của các bộ, ngành trong hoàn thiện thể chế; nhằm khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là tạo ra bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này