Người lao động mong muốn đời sống, việc làm ổn định

08:30 | 26/05/2022
(LĐTĐ) Mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định hiện là mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Khi được hỏi về nguyện vọng, phần lớn người lao động đều bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành chính sách về tiền lương hợp lý, đảm bảo cho người lao động có mức sống ổn định và có được một phần tích lũy, đồng thời kịp thời có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, không để giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao như hiện nay.
Tăng cường hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới Chăm sóc tốt hơn sức khoẻ người lao động "hậu" Covid-19

Việc làm, thu nhập là mối quan tâm hàng đầu

Để có thêm cơ sở thực tiễn đề xuất với Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, nhằm chăm lo, giải quyết kịp thời những khó khăn của người lao động, nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành đã tiến hành khảo sát tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu hiện nay trong đội ngũ đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động.

Tại tỉnh Bình Dương, qua khảo sát với 2.100 công nhân lao động đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ ngày 16 đến ngày 20/5/2022, LĐLĐ tỉnh cho biết: Đa số người lao động có thu nhập hàng tháng từ 5-10 triệu đồng. Trong đó mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng là 13,9%; từ 5-7 triệu đồng/tháng là 40,5%; từ 7-10 triệu đồng/tháng là 36,9%; chỉ số ít (8,7%) công nhân lao động có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Về khả năng tích lũy của người lao động, qua khảo sát cho thấy, có đến 42,1% công nhân không đủ trang trải, 52,5% công nhân vừa đủ trang trải chi tiêu hàng tháng, chỉ có 5% công nhân lao động tích lũy được một phần và 0,4% công nhân lao động có tích lũy.

Người lao động mong muốn đời sống, việc làm ổn định
Công nhân lao động luôn mong có việc làm ổn định để gia đình có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: B.D

Từ thực tế trên, khi được hỏi về các vấn đề công nhân lao động quan tâm hiện nay, công nhân lao động tỉnh Bình Dương cho biết, điều người lao động quan tâm lớn nhất đó là việc làm, thu nhập (75,4%); tiếp đến là giá cả các mặt hàng thiết yếu (60,8%); tình hình dịch bệnh Covid-19 (45,8%); vệ sinh an toàn thực phẩm (36,1%); an toàn giao thông (29,3%); nhà ở (27,4%); an ninh trật tự tại các khu nhà trọ (24,5%); nhà trẻ cho con công nhân (15%); nơi sinh hoạt văn hóa (10,4%)...

Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Bình Dương Lưu Thế Thuận cho biết: Hiện nay, đa số người lao động xa quê làm việc, sinh sống đã gắn bó với doanh nghiệp, với tỉnh Bình Dương trên 5 năm. Từ lao động phổ thông, họ đã trở thành những lao động lành nghề, lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn còn băn khoăn, lo lắng, chưa thật sự an tâm trong việc định hướng tương lai lâu dài để gắn bó với doanh nghiệp.

“Nhiều người lao động còn băn khoăn, lo lắng về: Việc làm chưa ổn định, thu nhập thấp; không có nhà ở; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao; vấn đề an toàn giao thông, an ninh trật tự tại các khu nhà trọ, vệ sinh an toàn thực phẩm còn phát sinh nhiều vấn đề hạn chế; nhà trẻ cho con công nhân, nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí chưa đáp ứng; tình trạng tín dụng đen tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro… Theo đó, người lao động bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần sớm ban hành chính sách về tiền lương hợp lý, đảm bảo cho người lao động có mức sống ổn định và có được một phần tích lũy, kịp thời có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, không để giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao như hiện nay”, ông Lưu Thế Thuận chia sẻ.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, qua nắm bắt ý kiến của người lao động, báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Vấn đề chưa tăng lương tối thiểu vùng, lương cơ sở lâu nay đã dẫn đến nhiều khó khăn cho người lao động, trong khi giá xăng tăng vọt và giá hàng hóa tăng theo. Theo đó, người lao động mong muốn, kiến nghị với Quốc hội, Nhà nước có quyết sách cân bằng giá cả và tiền lương để đảm bảo cuộc sống của người lao động được ổn định hơn. Đề nghị tăng mức lương tối thiểu vùng áp dụng vào ngày 1/7/2022 (thay vì thời điểm áp dụng 1/1/2023) vì mức lương của người lao động hiện còn quá thấp, chưa đáp ứng được mức tối thiểu nhu cầu cuộc sống.

Có an cư mới lạc nghiệp

Qua khảo sát của các LĐLĐ tỉnh, thành phố và Công đoàn ngành, phần lớn người lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại các tỉnh, thành phố lớn hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đa số ở trọ, điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại các nhà trọ còn nhiều khó khăn, ẩm thấp, diện tích nhỏ, chật hẹp ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động và sự phát triển thể chất của con công nhân lao động. Khi được hỏi về nguyện vọng, phần lớn người lao động làm việc tại các thành phố lớn đều kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, có các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiều dự án nhà ở trên địa bàn với giá hợp lý cho người lao động để công nhân, người lao động được mua hoặc thuê để có chỗ ở ổn định, an tâm làm việc.

Từ nhu cầu của đoàn viên, người lao động, LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Nhà nước và các cơ quan có liên quan cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về hỗ trợ vay vốn thuê, mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hoặc không lãi suất đối với những người đủ điều kiện mua nhà. Hiện, các nguồn thông tin về nhà ở xã hội không được phổ biến rộng rãi, có quá ít kênh để người lao động tham khảo, đăng ký mua. Bên cạnh đó, người lao động cũng đề nghị cần mở rộng thêm nhóm đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, như: Người lao động có sự gắn bó lâu dài, có thành tích cống hiến trong lao động sản xuất, có sáng kiến cải tiến tốt…

Tại thành phố Hà Nội, theo báo cáo của LĐLĐ Thành phố: Qua tổng hợp ý kiến từ cơ sở, công nhân lao động mong muốn được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách hiện nay, đó là vấn đề nhà ở cho công nhân. Người lao động Thủ đô mong muốn Chính phủ có những chính sách phù hợp hơn để người lao động, đặc biệt là công nhân lao động ở các Khu Công nghiệp và Chế xuất có cơ hội được tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước để mua nhà. Vì với chính sách và mức giá hiện nay, người lao động khó có thể mua được nhà ở để ổn định, yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, quan tâm khuyến khích các nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhà trẻ, trường học phục vụ công nhân lao động. Thực tế nguồn lực Nhà nước đầu tư thiết chế cho công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động khu công nghiệp chưa nhiều, trong khi đó các chính sách kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực này chưa phát huy hiệu quả.

Thông tin thêm về nhu cầu bức thiết này, ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết: Hiện nay, một bộ phận công nhân lao động trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đa phần thu nhập của người lao động chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu, không có dư dả, tích lũy. Trong khi đó, người lao động thường xuyên phải tăng ca, làm thêm giờ và họ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Từ thực tế đó, để người lao động tiếp tục gắn bó, cống hiến cho doanh nghiệp và được thụ hưởng xứng đáng với công sức đã bỏ ra, ông Toản cho rằng, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thiết chế Công đoàn tại các địa phương, nhất là thành phố Hà Nội, là khu vực có đông công nhân lao động ngoại tỉnh đang sinh sống, làm việc. Trong đó, cần tập trung xây dựng các khu nhà ở dành cho công nhân; điểm vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao; cơ sở y tế; trường học dành cho con công nhân lao động, để họ yên tâm cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này