Nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn trong chuỗi các siêu thị bán lẻ tại Việt Nam

17:00 | 25/05/2022
(LĐTĐ) Ngày 25/5, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn trong chuỗi các siêu thị bán lẻ tại Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp Mạng lưới Công đoàn quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNI APRO) và Liên hiệp các Công đoàn ngành Dệt, Hóa học, Thực phẩm, Thương mại và Dịch vụ Nhật Bản (UA ZENSEN) tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Công đoàn Việt Nam sẽ tích cực đóng góp vào phong trào Công đoàn và nhân dân, lao động tiến bộ trên thế giới Tăng cường hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hội đàm trực tuyến với Tổng Công hội Trung Quốc

Chủ trì hội thảo có ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam và ông Rajendra Acharya Kumar - Thư ký Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của UNI Toàn cầu.

Cùng tham dự hội thảo có đại biểu đến từ UNI APRO, Liên hiệp các Công đoàn ngành Dệt, Hóa học, Thực phẩm, Thương mại và Dịch vụ Nhật Bản (UA ZENSEN), Hội đồng các Công đoàn Malaysia là thành viên của UNI APRO (UNI MLC), Công đoàn Thương mại Singapore (SMMWU), Công đoàn ngành Dịch vụ Indonesia (ASPEK) và gần 40 đại biểu Công đoàn Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn trong chuỗi các siêu thị bán lẻ tại Việt Nam
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết: Việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã giúp thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới và đã thu hút được khá nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên toàn cầu như: MM Mega Market, Lotte, Aeon, BigC…

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực như tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, quá trình này hiện cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với người lao động trong ngành bán lẻ khi đa số lao động trong ngành chưa được đào tạo chuyên nghiệp, có mức thu nhập thấp và chất lượng cuộc sống chưa được đảm bảo.

Vấn đề ổn định việc làm cho người lao động cũng là một mối quan ngại khi thị trường lao động trong ngành này luôn biến động do các doanh nghiệp cạnh tranh bằng chính sách lương và các chế độ phúc lợi khác nhau, người lao động thường không có tâm lý gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Sự phát triển của thị trường thương mại điện tử cùng ứng dụng của công nghệ thông minh và sự ra đời của những mô hình bán lẻ mới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề bảo đảm việc làm và các chính sách an sinh cho người lao động trong ngành.

Trong khi đó, cán bộ Công đoàn cơ sở thuộc các đơn vị này hầu hết hoạt động kiêm nhiệm, năng lực thương lượng tập thể chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong việc xây dựng quan hệ lao động tốt cũng như bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Vì vậy, theo Phó chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải, những kinh nghiệm quốc tế được các bạn chia sẻ tại hội thảo sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu giúp Công đoàn Việt Nam nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trong chuỗi các siêu thị bán lẻ tại Việt Nam, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong ngành bán lẻ.

Trong 2 ngày (25-26/5) diễn ra hội thảo, các đại biểu tham gia hội thảo tham luận và trao đổi về: Thực trạng mô hình Công đoàn các chuỗi siêu thị tại Việt Nam hiện nay; xây dựng Công đoàn vững mạnh trong ngành thương mại/bán lẻ ở Nhật Bản, ở Singapore, ở Malaysia, ở Indonesia; chính sách và pháp luật liên quan đến Công đoàn ngành bán lẻ ở Việt Nam; các vấn đề khác liên quan đến việc xây dựng và phát triển đoàn viên trong ngành bán lẻ từ quan điểm quốc tế; những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động Công đoàn cơ sở tại các siêu thị và đề xuất các giải pháp cụ thể…

Theo báo cáo chưa đầy đủ, ngành Bán lẻ tại Việt Nam hiện đang thu hút một lực lượng lớn lao động làm việc, nhưng xét về cơ cấu lao động, chủ yếu là lao động phổ thông; trong đó lực lượng lao động phổ thông hiện tại ở các siêu thị chiếm khoảng 85%, lao động hành chính và quản trị chỉ chiếm khoảng 15%, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 70% và nam giới là 30%.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này