Trẻ bị xâm hại và nỗi đau khó xóa

10:10 | 21/11/2014
Khi 9 đối tượng bị bắt giam vì nhiều lần xâm hại một bé gái, người dân thôn Yên Tàng,xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn không khỏi bàng hoàng xót xa.Đứng trước vành móng ngựa, nhóm trai làng lí nhí nói lời sám hối, nhưng tất cả đã quá muộn.

Bé gái nhiều lần bị hãm hại

Một ngày cuối tháng 10, TAND TP Hà Nội đông hơn thường ngày. Đó cũng là dấu hiệu của một vụ án mà người dân đặc biệt quan tâm khi đưa ra xét xử. Chỉ có điều khác biệt, hầu hết người đến tham dự phiên tòa đều là những người nông dân chất phát. Vì nhà khá xa tận xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn nên họ đến tòa từ sáng sớm. Ánh mắt ai cũng buồn rầu, có lẽ nhiều người cả đêm qua chẳng thể chợp mắt. Nhắc đến câu chuyện kinh hoàng tại thôn Bắc Phú, Sóc Sơn ai cũng xót xa chuyện một bé gái bị đám trai làng xâm hại. Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng thời gian từ 8/3/2013 đến ngày 13/7/2013 Nguyễn Văn Đức (SN 1993), Nguyễn Văn Quang (SN 1995, trú ở thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, Sóc Sơn) cùng đồng bọn đã nhiều lần có hành vi xâm hại cháu Đỗ Thị Hương (SN 1998 trú tại thôn Đan Tảo, xã Tân Minh, Sóc Sơn).

Lần thứ nhất vào 21h ngày 8/3/2013. Sau khi Đức, Quang cùng một số đối tượng uống bia ở thôn xong, biết Hương và người bạn gái của Quang đang chơi gần đó, Quang gọi điện cho bạn gái hỏi xem Hương còn ở đó không. Ngay sau đó, các đối tượng bàn cách hãm hại Hương. Cả bọn quyết định đi đón hai cô gái rồi đưa ra gốc cây đa giữa cánh đồng thôn Yên Tàng để “hành sự”. Tại đây, Quang kéo bạn gái tách khỏi nhóm, để lại một mình Hương bị các đối tượng thay nhau hãm hiếp đến lả người mới được tha về. Khi về nhà, Hương đã giấu kín chuyện vì xấu hổ. Các đối tượng thấy vậy tiếp tục tìm cách xâm hại Hương. Đến tháng 4/2013, cô bé 15 tuổi này bị hiếp dâm lần thứ 2. Tội ác của nhóm thanh niên thôn Yên Tàng bị bại lộ sau lần thứ 4 gây án… Sau 2 ngày nghị án, TAND TP Hà Nội đưa ra nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến sức khỏe, tinh thần của bị hại, đặc biệt nạn nhân đang ở độ tuổi trẻ em. Xác định Đức là bị cáo đầu vụ nên HĐXX tuyên Đức 15 năm tù; Quang lĩnh 14 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 7 năm - 13 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Riêng Hoàng lĩnh 12 tháng tù được hưởng án treo về tội “Không tố giác tội phạm”.

Hàn gắn vết thương

Được biết, gia đình nạn nhân Hương rất khó khăn. Ngoài mấy sào ruộng cấy không biết trông chờ vào đâu. Bà Tuyên, mẹ Hương, tâm sự: “Bố cháu không được khôn ngoan như những người đàn ông khác nên mọi công việc đổ lên đầu tôi mà tôi thì ốm đau, bệnh tật suốt”. Bỏ học giữa chừng năm lớp 9, đến cái bằng cấp 2 Hương không có nên làm hồ sơ xin việc ở đâu cũng không được nhận. Hiện tại, Hương chỉ quanh quẩn phụ giúp bố mẹ công việc nhà và việc đồng áng. Câu chuyện đau lòng xảy đến với Hương cả làng cả xã đều biết khiến Hương chẳng dám đi đâu.

Khi hai con lớn đã xây dựng gia đình, bà Tuyên còn mỗi cô con gái út để trông cậy nào ngờ việc đau buồn ập đến.Tiếp xúc với người thân của một số bị cáo, điều mà chúng tôi dễ dàng nhận ra là đến tận bây giờ họ vẫn còn bàng hoàng về tội lỗi mà con em mình gây ra. Cũng chỉ vì mải lao vào vòng mưu sinh gia đình không để ý quản lý con trẻ hậu quả phải gánh chịu. Cả làng ai cũng đau xót bởi gần chục thanh niên dắt díu nhau vào tù. Hơn nữa, ở cái miền sơn động Yên Tàng vốn hiền hòa chưa từng xảy ra vụ án nào nghiêm trọng nói gì đến chuyện động trời như thế này.

Qua vụ án đau lòng, bác sỹ Nguyễn Trọng An, chuyên gia cao cấp về trẻ em và là bác sỹ tư vấn về sức khỏe tâm thần Nhi khoa, chia sẻ: Sau hành vi bị xâm hại, đứa trẻ rất hoảng sợ. Có những em dám nói ra, nhưng có em lại kìm nén vì sợ bố mẹ, hoảng sợ vì bị thủ phạm dọa giết, hoảng sợ vì cảm thấy mình bị người xung quanh nhìn bằng hình ảnh không tốt đẹp. Trên thực tế chưa có một nghiên cứu cụ thể về việc trẻ bị hiếp dâm rồi… “nghiện tình dục” nhưng đây là những hiện tượng có thực và đau lòng khi bị xâm hại một thời gian dài, các em có thể tìm lại chính đối tượng từng hiếp dâm hoặc đối tượng khác để… “cho không”.

Tuy nhiên, bác sỹ An cũng cho biết, đó là một trong những biểu hiện của sự sang chấn tâm lý nặng nề, cùng với sợ hãi hoặc tăng động… Vậy nhưng, nhìn từ góc độ nào, những đứa trẻ này vẫn là nạn nhân. Mặc  dù còn nhỏ, nhưng nạn nhân đã đủ nhận thức để nhìn nhận sự việc xảy ra với mình là một điều tồi tệ, khủng khiếp. Vì thế, suy nghĩ không còn gì để mất sẽ xuất hiện ở trẻ. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến một số trẻ chưa “nghiện” quan hệ đã để mình tự do, thoải mái khi có kẻ khác xâm hại. Ngoài tâm lý bất cần, ở trẻ còn có sự đấu tranh nội tâm rất lớn với suy nghĩ “lỡ” rồi, cho luôn… Chính vì vậy, trị liệu sang chấn tâm lý ở các nạn nhân này là một việc làm không đơn giản và cần phải kịp thời, đòi hỏi các chuyên gia phải giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tâm và thật sự yêu thương trẻ.

Ở góc độ khác, luật sư, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, tác giả cuốn sách “Nói với con về tình dục không khó” chia sẻ: “Để bảo vệ các em, nếu cha mẹ viết đơn kiện cũng quan trọng, nhưng nếu làm quá ầm ĩ lại càng khiến trẻ tổn thương. Khi nào trong gia đình cũng mang không khí của kiện tụng, mang những câu chuyện lặp đi lặp lại, vết thương càng ngày càng bị khoét sâu hơn trong đứa con. Giải quyết vấn đề tâm lý của em nhỏ bị xâm hại quan trọng hơn việc đi kiện nhưng hầu như các gia đình đều không làm được. Thậm chí, nhiều em có dấu hiệu bị xâm hại nhưng bố mẹ không dám đưa đến trị liệu tâm lý vì sợ người biết chuyện và bố mẹ cũng không tin vào các trị liệu tâm lý giúp các em.

Việc điều trị tâm lý phải hướng đến chuyện giúp các em coi chuyện bị xâm hại ấy chỉ là một kỷ niệm buồn, chứ không phải là sự kiện làm thay đổi đời em. Kỷ niệm buồn ấy có thể quên đi. Các em lớn lên, lập gia đình bình thường, nhưng nếu cha mẹ làm không khéo thì vết thương ấy bị khoét rộng ra, làm tổn thương các em nhiều hơn. Câu chuyện sẽ được truyền từ nhà này sang nhà khác, từ người này sang người khác, cứ lan rộng ra thì các em khó có khả năng hàn gắn được vết thương…”.

Nam Anh

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này