Sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá tài sản sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

17:02 | 23/05/2022
(LĐTĐ) Nhiều bài học về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá tài sản đã được rút ra sau vụ đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này, mới đây Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) đã yêu cầu các sở ngành, rà soát, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về đấu giá đấu giá quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Khánh thành đường Đinh Thị Thi tại Van Phuc City Khởi tố đối tượng trộm hàng chục nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2 TP.HCM: Tước chứng chỉ hành nghề một bác sĩ phòng khám đa khoa

Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở ngành rà soát, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về đấu giá quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan. Trong đó, chú trọng nội dung về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư có giá trị lớn, có vị trí thuận lợi, “tiềm năng” đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tham mưu việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất để đưa ra đấu giá, đảm bảo đúng quy định pháp luật và sát với thị trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đưa tài sản ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá và tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá, xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm về đấu giá tài sản và thẩm định giá.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM giao Thanh tra TP.HCM, Sở Tư pháp nghiên cứu, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, tổ giám sát thường xuyên hoặc đột xuất với sự tham gia của các sở, ban, ngành có liên quan để giám sát trực tiếp việc tổ chức đấu giá của người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản ngay từ khâu xác định, phê duyệt giá khởi điểm, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, đấu giá tài sản công có giá trị lớn. Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, tố cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về hoạt động đấu giá tài sản.

UBND TP.HCM nhận định, hoạt động đấu giá tài sản hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là thời gian gần đây xuất hiện những vụ việc đấu giá đất có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trước đó, để triển khai, thực hiện hiệu quả Luật đấu giá tài sản, Chỉ thị 40 và Công điện số 1767 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Thành Đoàn, Thành uỷ Thủ Đức và quận, huyện, đảng uỷ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có các biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong đó, chú trọng các điều kiện của người tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật, nhất là về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, phương án thực hiện dự án đầu tư; chỉ đạo cơ quan được giao tổ chức đấu giá phối hợp với tổ chức đấu giá tài sản đánh giá kỹ lưỡng hồ sơ tham gia đấu giá, điều kiện tham gia đấu giá để kịp thời phát hiện dấu hiệu thông đồng, móc nối giữa doanh nghiệp tham gia đấu giá với nhau như các doanh nghiệp mẹ, doanh nghiệp con, doanh nghiệp tham gia đấu giá cùng do một người, nhóm người thành lập, nắm cổ phần chi phối.

Sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu giá tài sản sau vụ đấu giá đất Thủ Thiêm

Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega liên tục "thất hứa" với ngành thuế TP.HCM.

Liên quan đến vụ đấu giá đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), theo Cục thuế TP.HCM, hiện nay hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp tiền thuế sử dụng đất. Đơn vị này đang tiến hành cưỡng chế theo quy định, nhưng đến nay vẫn chưa thu được đồng nào do tài khoản của hai doanh nghiệp này không có tiền.

Vào ngày 7/4, Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đã có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022. Hai doanh nghiệp này đề xuất tháng 4/2022 nộp 15% và các tháng 5, 6, 7, 8/2022 - mỗi tháng nộp 17%, tháng 9/2022 thanh toán toàn bộ số tiền còn lại. Tuy nhiên Cục Thuế TP.HCM không đồng ý, yêu cầu chậm nhất ngày 6/7, nếu hai doanh nghiệp không nộp đủ tiền sẽ bị mất tiền đặt cọc và bị hủy hợp đồng mua bán.

Đến ngày 6/5, Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức (TP.HCM) ban hành quyết định cưỡng chế thuế hai doanh nghiệp nói trên với số tiền phải nộp đợt 1 do quá hạn 90 ngày. Cụ thể, Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức đã ban hành quyết định cưỡng chế số tiền thuế 1.794 tỷ đồng với Công ty CP Dream Republic và cưỡng chế số tiền thuế 1.796 tỷ đồng với Công ty CP Sheen Mega. Các quyết định đồng thời được gửi đến các ngân hàng và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 6/5, cũng là ngày thứ 91 khoản nợ thuế phát sinh.

Đến nay, đã có hai công ty bỏ cọc trúng đấu giá đất Thủ Thiêm gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng lô đất số 3-12 có diện tích 10.059,7m2 và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 5.026 tỷ đồng lô đất ký hiệu 3-9 có diện tích hơn 5.000m2.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này