SEA Games 31: Mỗi người dân Thủ đô là một nhịp cầu, đại sứ hòa bình

11:30 | 21/05/2022
(LĐTĐ) Văn hóa giao thông có thể hiểu là những hành vi ứng xử đúng pháp luật theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Tại Hà Nội, thời điểm này đang diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), hơn lúc nào hết văn hóa giao thông cần phải được thể hiện tốt hơn.
Đại biểu tham dự SEA Games 31 trải nghiệm xe buýt 2 tầng Đưa sản phẩm làng nghề đến tay du khách Giao thông Hà Nội an toàn, văn minh dịp SEA Games 31

Nâng cao văn hóa giao thông

Những ngày qua, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố và các địa điểm, khu vực phục vụ SEA Games 31, Công an thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô… đã phối hợp chặt chẽ, triển khai phương án, sẵn sàng tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện các nhiệm vụ phục vụ SEA Games 31.

Xây dựng phương án giao thông, bố trí tối đa quân số bảo đảm trật tự an toàn giao thông và dẫn các đoàn đại biểu, vận động viên, trọng tài tham dự các hoạt động trên địa bàn Thành phố bảo đảm an toàn, thông suốt.

SEA Games 31: Mỗi người dân Thủ đô là một nhịp cầu, đại sứ hòa bình
Với sự kiện SEA Games 31 đang diễn ra ở Hà Nội, mỗi người dân Thủ đô đều ý thức rõ bản thân là một nhịp cầu, một đại sứ hòa bình, để lại trong lòng người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế những hình ảnh ấn tượng về một Thủ đô Hà Nội văn minh, văn hiến, Thành phố Vì hòa bình.

Cùng đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng phối hợp xây dựng phương án bảo đảm công tác an toàn giao thông, phân luồng tổ chức giao thông trong suốt thời gian diễn ra Đại hội. Bố trí địa điểm trông, giữ xe phục vụ đại biểu và nhân dân. Rà soát, thay thế, sửa chữa biển báo, biển hiệu giao thông, nghiên cứu lắp đặt biển hướng dẫn lộ trình phục vụ SEA Games 31 bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh. Sửa chữa, tu bổ các đoạn đường, tuyến phố di chuyển của các đoàn thể thao.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đồng bộ vào cuộc, phát động phong trào thi đua xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông. Từ sự vào cuộc chủ động của các cấp, ban ngành đã cho thấy việc thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn Hà Nội đã từng bước có hiệu quả. Từ nền tảng này góp phần tạo sự chuyển biến thực sự trong văn hóa ứng xử, nhất là trong văn hóa giao thông.

Không khó để thấy, tại các trục đường nơi diễn ra SEA Games 31 trên địa bàn Hà Nội, các lực lượng chức năng đã đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến, sẵn sàng xử lý ngay khi có sự cố xảy ra. Nhờ vậy, hiện tượng người tham gia thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng… đã giảm đáng kể. Cùng đó, tại khu vực cổng các trường học - nơi thường được coi là điểm gây ùn tắc giao thông, phần lớn tình trạng dừng, đỗ xe lộn xộn, gây ách tắc khu vực cổng trường đã được hạn chế.

Ngoài ra, tại nhiều trường học trong giờ học ngoại khóa nhà trường đã mời cán bộ công an giao thông truyền đạt kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, những điểm cần lưu ý khi tham gia giao thông cho giáo viên và học sinh. Qua đó giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đạp, các quy tắc giao thông đối với người đi bộ, không tụ tập trước cổng trường, không đi hàng ngang, nô đùa khi đến trường và khi tan học; nghiêm túc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm...

Nhà văn Nguyễn Văn Học - người giành giải nhì cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông Thủ đô” do Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giao thông vận tải phối hợp tổ chức cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, một trong những hành động nhỏ bé góp phần gìn giữ và đóng góp cho sự phát triển đó đôi khi chỉ đơn giản là việc mỗi cá nhân hãy có ý thức khi tham gia giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của con người khi tham gia giao thông. Hơn hết, quá trình xây dựng văn hóa giao thông là quá trình dài hơi và chúng ta cần phải kiên trì.

SEA Games 31: Mỗi người dân Thủ đô là một nhịp cầu, đại sứ hòa bình
Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý các phương tiện dừng, đỗ trái quy định trên các tuyến đường xung quanh sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Cung Điền kinh Hà Nội và các khu vực tổ chức thi đấu.

Trong đó, việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, có tính thực tiễn, đi vào cuộc sống là vấn đề vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, khi xây dựng quy định pháp luật cần lấy những yếu tố cốt lõi từ người dân, mục tiêu của xã hội là đảm bảo trật tự an toàn giao thông là mục tiêu cao nhất thì chắc chắn luật sẽ đảm bảo tốt và đi vào cuộc sống.

Hướng đến Hà Nội văn minh, an toàn

Theo nghĩa thông thường, “văn hoá giao thông” là những hành động “có văn hoá”, những hành động đẹp khi tham gia giao thông. Văn hoá giao thông có quan hệ khăng khít với pháp luật về giao thông, trước hết là hành động tuân thủ pháp luật giao thông, song nó là những hành vi ứng xử có văn hoá hơn những điều được quy định trong luật. Văn hoá ứng xử có nhiều biểu hiện khác nhau từ lời ăn tiếng nói, từ cách cư xử giao tiếp trong gia đình, cách cư xử ngoài xã hội… Văn hoá giao thông là một khía cạnh của văn hoá ứng xử.

Tại Hà Nội, từ xưa dân gian đã có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, trong thi ca, văn hoá ứng xử người Hà Nội vẫn nổi tiếng với hai từ thanh lịch. Bởi vậy, không ít hành động đẹp như người già, những người từ quê mới ra khi sang đường hoặc tìm đường trong nội đô được Cảnh sát giao thông tận tình chỉ dẫn, phân luồng phương tiện để đi lại thuận lợi. Cũng không ít lần, trong những vụ tai nạn giao thông dư luận đã chứng kiến cảnh người đi đường cùng nhau giúp đỡ người bị nạn. Người sơ cứu, người gọi cứu thương… và họ chỉ thực sự yên tâm khi người bị nạn được chuyển đi an toàn.

Theo ông Ngô Minh Hoàn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Vận tải Hà Nội, như ở các lĩnh vực khác, việc hình thành văn hóa giao thông cần sự tuyên truyền, vận động kiên trì, thường xuyên, lâu dài theo các tiêu chí nhất định, theo từng đối tượng và loại hình giao thông.

SEA Games 31: Mỗi người dân Thủ đô là một nhịp cầu, đại sứ hòa bình
Xây dựng văn hoá giao thông trong trường học sẽ góp phần vun bồi và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ngay từ thế hệ trẻ. Ảnh: Giang Nam

SEA Games 31 đang diễn ra ở Hà Nội, đây không chỉ là sự kiện thể thao mà còn là sự kiện văn hóa, chính trị trọng đại của đất nước, của khu vực. Thành phố Hà Nội vô cùng vinh dự, tự hào khi được chọn là địa điểm tổ chức chính của các môn thi đấu, đặc biệt được đăng cai tổ chức 2 sự kiện quan trọng nhất của SEA Games 31 là Lễ khai mạc và bế mạc.

Trong những ngày diễn ra Đại hội, mỗi người dân Thủ đô hãy là một nhịp cầu, một đại sứ hòa bình, kết nối, lan tỏa văn hóa, tinh thần, truyền thống, phong cách người Tràng An, để lại trong lòng người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế những hình ảnh ấn tượng về một Thủ đô Hà Nội văn minh, văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, trái tim của cả nước.

Việc xây dựng ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông không phải vấn đề quá “đao to búa lớn” mà có thể bắt đầu từ ngay ở những hành động nhỏ bé nhất như đi đúng làn đường, phần đường, đúng tốc độ quy định, không vượt đèn đỏ, không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Tại Hà Nội, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong năm 2021 và quý 1 năm 2022, tai nạn giao thông trên địa bàn đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Điểm đáng chú ý, việc xây dựng văn hóa giao thông từ trường học được các ngành, các cấp trên địa bàn quan tâm, chú trọng. Với sự kiện SEA Games 31 đang diễn ra ở Hà Nội, mỗi người dân Thủ đô đều ý thức rõ bản thân là một nhịp cầu, một đại sứ hòa bình, kết nối, lan tỏa văn hóa, tinh thần, truyền thống, phong cách người Tràng An, tuân thủ và nâng cao văn hóa giao thông.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này