Metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành và tăng tổng mức đầu tư

16:57 | 20/05/2022
(LĐTĐ) Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, dự án hiện đang gặp 5 vấn đề khó khăn gây ảnh hưởng đến tiến độ. Dự kiến Metro Nhổn - ga Hà Nội phải điều chỉnh thời gian hoàn thành và tăng tổng mức đầu tư.
Cuối tháng 10, đoàn tàu đầu tiên tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội về nước Cận cảnh đoàn tàu đầu tiên tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội trên hành trình về Việt Nam

Theo MRB, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 74,36% (trong đó, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%).

Tuy nhiên, MRB đánh giá, đây là một dự án lớn và phức tạp, được áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài, trong quá trình thực hiện, dù đã và đang không ngừng nỗ lực song MRB vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.

Metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành và tăng tổng mức đầu tư
Dự kiến Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ điều chỉnh thời gian hoàn thành và tăng tổng mức đầu tư.

Theo MRB, thứ nhất, việc chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là nguyên nhân chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng của đoạn trên cao đã hoàn thành và bàn giao cho các nhà thầu, tuy nhiên, vẫn tồn tại khiếu nại kéo dài của 177 hộ dân tại Depot và đường dẫn vào Depot đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Bên cạnh đó, có những gói thầu chậm bàn giao mặt bằng đến 5 - 6 năm so với kế hoạch. Đặc biệt, có 50 toà nhà (không trong diện thu hồi đất) bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm, song quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân này gặp khó khăn bởi chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật.

Thứ hai, các gói thầu của dự án được ký theo mẫu hợp đồng quốc tế, có nhiều điểm khác biệt với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp tới việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian, dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng quy định để giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình đàm phán điều chỉnh, gia hạn hợp đồng, một số nhà thầu quốc tế lợi dụng tính cấp bách và phức tạp của án để gây sức ép lên chủ đầu tư, đề xuất giá trị phát sinh lớn và thiếu hợp tác để giải trình, cung cấp hồ sơ chứng minh cụ thể theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Thứ ba, theo MRB khó khăn xuất phát từ vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Hợp đồng Tư vấn Systra (Hợp đồng trọn gói). Tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vấn đề trong quá trình triển khai để bảo đảm tiến độ dự án.

Thứ tư, các vướng mắc liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam đang chưa đồng bộ và đầy đủ, có nhiều điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán chi phí và nghiệm thu các công trình chuyên biệt của các cơ quan quản lý nhà nước. Một số thay đổi về quy chuẩn, tiêu chuẩn dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế của dự án.

Metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành và tăng tổng mức đầu tư
Công tác thi công dự án dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn chịu những ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Thứ năm, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm chậm trễ, đứt gãy, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí.

Từ những vướng mắc nêu trên, MRB cho biết đến nay có tới 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Căn cứ tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc, các nội dung về thời gian thực hiện và tổng mức đầu tư cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỷ đồng, tăng lên khoảng 4.905,24 tỷ đồng.

Để thúc đẩy tiến độ dự án, về phía MRB cho biết đơn vị đã và đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý từng hạng mục công việc; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Trong 5 nhóm vướng mắc nêu trên, các vướng mắc thuộc trách nhiệm của thành phố đều đã được Hà Nội kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Với vướng mắc mặt bằng khu vực công trình phụ trợ ga ngầm S9 Ngọc Khánh, Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao quận Ba Đình xử lý dứt điểm trong tháng 6/2022. Với 50 tòa nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm, MRB đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quận Đống Đa và Ba Đình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư cho các hộ dân, hoàn thành trước ngày 30/9 theo yêu cầu của Thành phố.

Với 3 nhóm vướng mắc vượt thẩm quyền của Thành phố (gồm vướng mắc Hợp đồng FIDIC; vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá; điều chỉnh hợp đồng Tư vấn Systra): từ năm 2021, Thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ các khó khăn nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này