Tuyên phạt 4 năm tù đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

20:30 | 19/05/2022
(LĐTĐ) Chiều tối ngày 19/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành tuyên án với nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và các đồng phạm trong vụ buôn hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada, xảy ra tại Công ty VN Pharma.
Khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường Sắp xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng đồng phạm Hôm nay, xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trong vụ án thuốc giả

Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng

Theo đó, bị cáo Trương Quốc Cường bị tuyên phạt 4 năm tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Việt Hùng (nguyên Cục phó Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế) lĩnh 3 năm tù. Bị cáo Lê Đình Thanh (nguyên cán bộ Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) bị phạt 2 năm tù.

Trong khi đó, bị cáo Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc thuộc Cục Quản lý Dược) và Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Đăng ký thuốc) cùng lĩnh 4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tuyên phạt 4 năm tù đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Các bị cáo nghe tuyên án.

Với tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) bị tuyên phạt 18 năm tù. Tổng hợp hình phạt với 17 năm tù ở vụ án trước, bị cáo Hùng phải chấp hành mức án chung là 30 năm tù.

Cùng tội danh trên, Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C) bị tuyên phạt 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt với 20 năm tù trong vụ án trước, bị cáo này phải chấp hành mức án chung là 30 năm tù.

7 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Trí Nhật, Ngô Quốc Anh, Phạm Anh Kiệt, Phan Cẩm Loan, Lê Thị Vũ Phương, Phạm Quỳnh Trang và Nguyễn Thị Quyết (hầu hết đều từng là lãnh đạo, cán bộ Công ty VN Pharma) lần lượt bị tuyên phạt từ 6 - 16 năm tù đều về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Ngoài ra, 6/7 bị cáo trong nhóm này còn bị tổng hợp hình phạt với bản án trước đó nên lần lượt phải chịu mức án chung là từ 11 - 30 năm tù.

Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử cho rằng, hàng hóa giả mà các bị cáo tuồn vào Việt Nam là thuốc chữa bệnh gồm kháng sinh, thuốc chữa nhiễm trùng nặng... Đây là những loại hàng đặc biệt do Nhà nước độc quyền quản lý, phân phối. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình trong dư luận, làm giảm uy tín của ngành Y tế.

Trong vụ án, Hội đồng xét xử xác định bị cáo Nguyễn Minh Hùng giữ vai trò chính. Bị cáo là chủ mưu, cầm đầu do đã có hành vi chỉ đạo các đồng phạm tại Công ty VN Pharma và Công ty Hàng hải quốc tế H&C làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng nhằm thay đổi nguồn gốc thuốc để tuồn hàng giả vào Việt Nam tiêu thụ.

Đối với bị cáo Trương Quốc Cường, Hội đồng xét xử cho rằng, với vai trò Cục trưởng Cục Quản lý Dược, bị cáo đã không làm tròn trách nhiệm, thiếu giám sát đội ngũ chuyên gia thẩm định cấp số đăng ký thuốc. Bị cáo còn đồng ý duyệt cấp hồ sơ đăng ký thuốc do nhóm tại Công ty VN Pharma trình lên. Hậu quả, 6/7 loại thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ đã được cấp phép lưu hành tại nhiều cơ sở y tế tế, doanh nghiệp.

Hội đồng xét xử kết luận, bị cáo Trương Quốc Cường gây thiệt hại hơn 3,7 tỷ đồng. Tại Tòa, bị cáo Cường đã thành khẩn khai báo nên được xem xét tình tiết giảm nhẹ.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử xác định Công ty VN Pharma đã thu lời bất chính hơn 31 tỷ đồng.

Quay lại phần xét hỏi để định mức án phù hợp

Trước đó, theo dự kiến 14h ngày 19/5, Tòa sẽ tuyên án, tuy nhiên, do cần làm rõ một số nội dung, Hội đồng xét xử đã quay lại phần xét hỏi, nhằm làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến hành vi vi phạm của bị cáo Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dược Sài Gòn) để đảm bảo tính khách quan, chính xác, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo.

Theo cáo trạng, sau khi soạn thảo xong các hợp đồng, phụ lục hợp đồng mua bán các thuốc nhãn mác Health 2000 Canada giả giữa Công ty VN Pharma với Công ty Austin Hong Kong, Phan Cẩm Loan (nguyên Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) và Nguyễn Thị Quyết (nguyên nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) đã in các hợp đồng, phụ lục hợp đồng này trên các tờ giấy A4 trắng đã có sẵn hình dấu có nội dung "Austin Pharma Specialties Co." của Công ty Austin Hong Kong và dấu chữ ký mang tên Luk Heung Tung do Phạm Anh Kiệt cung cấp.

Tuyên phạt 4 năm tù đối với nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Bị cáo Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi của Tòa.

Tại cơ quan điều tra, các bút lục có trong hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Kiệt có những lời khai nêu trên. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Kiệt phủ nhận toàn bộ những lời khai này, cho rằng bị cáo không cầm con dấu này. Kiệt khai, bị cáo bị một điều tra viên tên là Phạm Tường Minh dụ cung, hướng dẫn nói theo những lời khai này.

Tuy nhiên, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Đào Bá Sơn cho biết, trong toàn bộ các bút lục có trong hồ sơ vụ án, không bút lục nào thể hiện có tên hoặc có chữ ký của điều tra viên nào tên là Phạm Tường Minh như lời bị cáo Kiệt khai, mà chỉ có 2 điều tra viên nữ tên là Vũ Thị Quỳnh Trang và Hồ Thị Duyên tham gia xét hỏi bị cáo Kiệt.

Trong phần xét hỏi thêm vào chiều 19/5, bị cáo Phan Cẩm Loan cũng thừa nhận nội dung như cáo trạng đã nêu, bị cáo đã in các hợp đồng, phụ lục hợp đồng trên các tờ giấy A4 trắng đã có sẵn hình dấu có nội dung "Austin Pharma Specialties Co." của Công ty Austin Hong Kong và dấu chữ ký mang tên Luk Heung Tung do Phạm Anh Kiệt cung cấp. Bị cáo Loan khẳng định đã lấy 3 tờ giấy có con dấu nói trên ở Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty VN Pharma.

Mặt khác, bị cáo Kiệt khai không cung cấp dấu cho Nguyễn Minh Hùng và cũng không cung cấp dấu cho Nguyễn Văn Báu (nhân viên của VN Pharma). Bị cáo Kiệt còn khai chưa từng quản lý con dấu này.

Tuy nhiên, theo thông báo của Hội đồng xét xử, tại Cơ quan điều tra, 80% tài liệu cho thấy bị cáo đều thừa nhận con dấu của công ty Austin Hong Kong được sử dụng trong các hợp đồng.

Sau khi Tòa công bố tài liệu thì bị cáo Kiệt lại thay đổi lời khai, cho rằng bị cáo có cầm con dấu, sau đó đã trả lại.

Khai trước Tòa, bị cáo Kiệt nói mình bị đình chỉ sinh hoạt đảng sau khi vụ án được xử. Sau đó, Hội đồng xét xử công bố quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với bị cáo Kiệt vào ngày 22/3/2016, khi đó chưa đưa ra xét xử giai đoạn 1 của vụ án, trong đó bị cáo Kiệt cũng bị truy tố về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Sau khi Tòa công bố quyết định trên thì bị cáo Kiệt thừa nhận bị cáo bị nhầm và xin lỗi Hội đồng xét xử.

Giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Kiệt bị kết án 3 năm tù về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Kiệt kháng cáo kêu oan, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo rút kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Sau khi tiến hành thẩm vấn bổ sung, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định nội dung truy tố của Viện Kiểm sát trong bản cáo trạng đối với các bị cáo trong vụ án này là hoàn toàn chính xác. Đại diện Viện Kiểm sát đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ bổ sung (gia đình và bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bị cáo có nhiều thành tích trong công tác…) và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm án cho một số bị cáo dưới mức án đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát.

Hầu hết các bị cáo đều được đề nghị giảm từ 6 tháng đến 2 năm tù. Riêng bị cáo Trương Quốc Cường được đề nghị giảm 3 năm tù so với trước đó.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này