Vì những đô thị hiện đại và bản sắc

11:44 | 19/05/2022
(LĐTĐ) Đại văn hào Victor Hugo từng nói: “Thành phố là cuốn sách mở”. Chính vì thế, với du khách khi đặt chân đến bất cứ đô thị nào trên thế giới nói chung, đô thị Việt Nam nói riêng, trong đó có Thủ đô Hà Nội, chỉ cần nhìn kiến trúc đô thị sẽ “đọc” được phần nào về văn hóa, tập quán, kinh tế của thành phố đó, thậm chí đất nước đó ra sao.
Kỳ vọng sự vươn lên mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội
Vì những đô thị hiện đại và bản sắc
Ảnh minh họa.

Ngày 24/1/2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 “Về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết quan trọng mang tính định hướng để các cấp có thẩm quyền hoạch định chính sách phát triển đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, đồng bộ thể hiện được bản sắc văn hóa đất nước cũng như từng vùng miền.

Sau 35 năm đổi mới, nhất là trong khoảng 2 thập kỷ qua, cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ thị hóa cũng phát triển rất nhanh. Từ chỗ cả nước chỉ có 5- 6 thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay tất cả các địa phương (tỉnh) đều có thành phố (trực thuộc Trung ương và tỉnh). Sự phát triển của các đô thị đã góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa đất nước nói chung và tái cơ cấu nguồn nhân lực nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phát triển của đô thị Việt Nam vẫn còn không ít vấn đặt ra.

Về vấn đề đặt bản sắc văn hóa, có lần đi công tác tại thành phố Nha Trang, một người bạn đi cùng nhận xét: “Các đô thị của chúng ta hiện nay phát triển na ná giống nhau. Đâu đâu cũng thấy nhà cao tầng, nhà ống… nếu không có biển số xe, biển hiệu, tiếng nói thì thật khó để nhận ra đô thị của địa phương nào”. Và anh nhận xét tiếp, nhẽ ra đối với các đô thị tại vùng châu thổ sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long kiến trúc đô thị bên cạnh sự hiện đại phải thể hiện được bản sắc văn hóa của vùng đó thế nào”. Nhận xét của anh hoàn toàn xác đáng, gần như suốt thời gian qua, trong kiến trúc đô thị, vấn đề “bản sắc” gần như không được chú tâm.

Trong nội hàm phát triển đô thị, hiện cũng đang vướng phải vấn đề mang cả tầm vĩ mô, lẫn vi mô. Về vĩ mô, để hệ thống đô thị phát triển một cách đồng bộ, kết nối và lan tỏa phải có bản quy hoạch quốc gia về đô thị. Các địa phương căn cứ vào bản quy hoạch đó làm cơ sở để quy hoạch chi tiết đô thị trên địa phương mình. Song đến nay, quy hoạch chung quốc gia và quy hoạch quốc gia về đô thị chưa có, nên dẫn đến sự phát triển đô thị chưa đồng đều.

Về yếu tố vi mô, để đô thị phát triển hiện đại, kết nối, công năng, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải đi trước một bước và có tính dự báo chiến lược để khi triển khai không bị “lỗi thời”, “lỗi nhịp” dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch hoặc “không thể” sửa sai như việc đã rồi. Cạnh đó, công tác quy hoạch phải đồng bộ về kết cấu hạ tầng, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về giao thông, cảnh quan, thụ hưởng, không gian văn hóa, không gian lịch sử. Và đặc biệt khi đã có quy hoạch tốt, công tác triển khai và hậu quản lý quy hoạch cũng phải tốt…

Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 “Về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới để phát huy những mặt được, khắc phục những hạn chế để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị tạo động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển không gian, dân cư và kinh tế đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này