Hà Nội: Quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, lan tỏa

10:12 | 19/05/2022
(LĐTĐ) Với vị thế là Thủ đô, trung tâm kinh tế vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ, một trong hai đầu tàu kinh tế đất nước, Hà Nội luôn xác định phương châm phát triển đô thị theo hướng quy hoạch phải đi trước một bước; phát triển đô thị đồng bộ, khoa học và hiện đại.
Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị Thủ đô Quận Nam Từ Liêm: Nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị

Trình bày tham luận tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội luôn xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những vấn đề chiến lược, phải đi trước một bước, nhằm tạo nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị, tạo ra hệ thống hạ tầng khung giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị trong khu vực và cả nước. Nhờ việc đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển đô thị đã nhanh chóng tạo nên diện mạo mới cho đô thị Thủ đô.

Hà Nội: Quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, lan tỏa
Ảnh minh họa.

Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai các công tác về quy hoạch. Đến nay, đã hoàn thành một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch các cấp độ, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc với tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng - đô thị, quy hoạch phân khu đô thị (cấp độ 1) cơ bản đạt 100%.

Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó có Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”; Ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02//3/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các Chương trình, Chỉ thị được ban hành đã cơ bản thống nhất, cụ thể hóa nhiều nội dung cần thực hiện tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn, cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thủ đô một cách tổng thể, hiện đại. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng như xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5...; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển cho thành phố Hà Nội. Đồng thời cũng sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới. Trong đó nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển “Thành phố thuộc Thủ đô” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh) sẽ đảm bảo kết nối với 2 thành phố lân cận phía Bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) để hình thành “Trung tâm của 3 trung tâm” - 3 Cụm động lực phát triển kinh tế vùng theo định hướng Quy hoạch vùng Thủ đô (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh)…

Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận. Nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía Nam của Thành phố, đáp ứng yêu cầu giao thông cửa ngõ, phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc./.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này