Tạo động lực để phát triển đô thị nhanh, bền vững

10:50 | 19/05/2022
(LĐTĐ) Sau 35 năm đổi mới, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Đề xuất nhiều chính sách về phát triển đô thị trong khu vực phố cổ Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển đô thị Hà Nội: Quy hoạch, phát triển hạ tầng phải đi trước, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị

Đô thị hóa là tất yếu khách quan

Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị “Về quy hoạch xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” là nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về phát triển đô thị sau 35 năm đổi mới. Theo đó, Bộ Chính trị nhận định, đô thị hóa là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tạo động lực để phát triển đô thị nhanh, bền vững
Diện mạo đô thị Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW diễn ra ngày 18/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng. Trong bối cảnh mới như hiện nay, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 06-NQ/TW đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Cùng với đó, đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp vào công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong tương lai. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, sự phát triển đô thị có mối quan hệ liên kết rất chặt chẽ với các hoạt động sản xuất công nghiệp. Đô thị hóa tăng thì tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó, cần gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị cũng như các nền kinh tế kỹ thuật có liên quan để hình thành các khu đô thị, dịch vụ công nghiệp.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, giao thông công cộng được quan tâm phát triển, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vân tải cũng đề nghị, sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách ưu đãi cho hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị bền vững; hoàn thiện hệ thống quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh/thành phố làm cơ sở cho quản lý và đầu tư; hoàn thiện quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch giao thông; đảm bảo phát triển cân đối, hài hòa tổng thể giữa các lĩnh vực…

Con người và chất lượng cuộc sống phải là trung tâm

Nêu một số ý kiến có tính gợi mở để nghiên cứu trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu, trước hết các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết quan trọng này; phải thấy rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Tạo động lực để phát triển đô thị nhanh, bền vững
Ảnh minh họa.

Trên cơ sở đó phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí, các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị là rất quan trọng, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. “Trong một thời gian ngắn chúng ta có thể xây dựng được một thành phố với cơ sở vật chất rất hiện đại nhưng để làm chuyển biến tư duy, nhận thức của con người, vốn quen sống ở nông thôn phù hợp với lối sống đô thị là quá trình lâu dài, vì thế phải kết hợp tổng hợp nhiều biện pháp”, đồng chí Võ Văn Thưởng nói và đề nghị tập trung vào nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật; ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và hiệu quả.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương, phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị. Triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Ban Cán sự đảng Chính phủ sớm ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết.

Chương trình hành động phải đảm bảo sát các nội dung Nghị quyết, phù hợp với từng địa phương, từng vùng, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia, chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và các chiến lược, đề án, chương trình trọng điểm khác liên quan đến phát triển đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt các quy hoạch phù hợp với tinh thần của Nghị quyết, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong nghị quyết; khẩn trương chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị./.

Giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ tăng dân cư đô thị trung bình là 3,1%/năm, cao hơn mức trung bình của các quốc gia Đông Nam Á (2,5%). Năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Diện mạo đô thị cả nước cũng ngày càng khang trang, sạch sẽ hơn, hệ thống hạ tầng đầy đủ, tiện nghi hơn.

Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt 12% - 15%/năm, gấp 1,2 đến 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn là nơi thu hút các doanh nhân, quy tụ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của cả nước và là nguồn đóng góp ngân sách lớn nhất nước.Năm 2020, ước tính kinh tế khu vực đô thị góp khoảng 70% GDP cả nước. Riêng 5 thành phố trực thuộc trung ương, mặc dù chỉ chiếm 2,9% diện tích và khoảng 22% dân số nhưng đóng góp tới 46,8% GDP cả nước, thu hút 30% tổng vốn FDI lũy kế, 32,8% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta vẫn còn những hạn chế. Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới (Tỷ lệ đô thị hóa của ASEAN là 46,5%; của khu vực châu Á là 51%; của thế giới là 56%; trung bình của các nước phát triển là 75-80%...).

Tính trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đứng thứ 7/10, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanma. Theo tính toán, với tốc độ tăng tỷ lệ đô thị hóa của nước ta trong 10 năm gần đây, nếu không có thay đổi đột phá thì ước tính khoảng 30 năm để đạt tỷ lệ đô thị hóa hiện nay của khu vực Bắc Mỹ (83%) và khoảng 20 năm để đạt tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc (63,9%)…

N.Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này