Hà Nội: Tập huấn Luật Cư trú năm 2020 cho báo cáo viên pháp luật

16:04 | 18/05/2022
(LĐTĐ) Ngày 18/5, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho báo cáo viên pháp luật cấp Thành phố và báo cáo viên pháp luật các quận, huyện, thị xã Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản liên quan.
Ngày đầu thực hiện Luật Cư trú năm 2020: Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân Người dân Hà Nội hài lòng khi thực hiện Luật Cư trú

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng; Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Hà; thành viên Hội đồng PBGDPL Thành phố; báo cáo viên pháp luật Thành phố và các quận, huyện, thị xã...

Hà Nội: Tập huấn Luật Cư trú năm 2020 cho báo cáo viên pháp luật
Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương cho biết, theo Luật Cư trú năm 2020, việc quản lý công dân sẽ bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu về dân cư.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Trong đó, đã xác định Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, là dữ liệu gốc, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, để phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Việc tập huấn cho các báo cáo viên nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những điểm cơ bản, điểm mới của Luật Cư trú và các văn bản có liên quan cũng như nâng cao nhận thức về mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, thực hiện kế hoạch số 321/KH-UBND ngày 29/12/2021 của Ủy ban nhân dân Tthanfh phố về phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2022 đến các thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL; đội ngũ báo cáo viên pháp luật Thành phố, báo cáo viên pháp luật quận, huyện; cán bộ, công chức, viên chức.

Sau hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương đề nghị các báo cáo viên pháp luật Thành phố và các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện tuyên truyền, triển khai sâu rộng Luật Cư trú, đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu và việc thực hiện Đề án 06 trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân trên địa bàn mình bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Hà Nội: Tập huấn Luật Cư trú năm 2020 cho báo cáo viên pháp luật
Tập huấn tuyên truyền Luật Cư trú năm 2020 cho báo cáo viên pháp luật Thành phố và quận, huyện, thị xã.

Đại tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính Bộ Công an đã giới thiệu các nội dung quan trọng của Luật Cư trú cần lưu ý như: Chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1/1/2023; quản lý công dân bằng thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giảm thời giam giải quyết đăng ký thường trú từ 15 ngày xuống còn 7 ngày; bỏ điều kiện phải đủ thời gian tạm trú khi nhập hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương; lưu trú dưới 30 ngày không cần đăng ký tạm trú...

Theo bà Thu, Luật Cư trú 2020 là tiền đề để sửa đổi rất nhiều quy định về cư trú và thực hiện Đề án 06, với việc thay thế, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.

Việc đổi mới này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng. Hiện nay, cơ quan công an đã và đang thu hồi Sổ hộ khẩu với trường hợp công dân thay đổi nơi cư trú, chỉnh sửa thông tin...

Tại cuộc tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính Bộ Công an đã giải đáp một số vướng mắc từ thực tiễn như: Trường hợp tích hợp bằng lái xe vào căn cước công dân gắn chíp thì thu hồi bằng lái xe như thế nào; người dân làm mất căn cước công dân, mất sổ hộ khẩu, thậm chí do bị tai nạn dẫn đến mất trí nhớ thì xác thực định danh cá nhân như thế nào...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này