Để công viên là không gian mở

11:07 | 17/05/2022
(LĐTĐ) Công viên là khu vực được bảo vệ các nguồn thiên nhiên tự có hay trồng, một nơi vui chơi, giải trí đại chúng, các hoạt động văn hóa, hưởng thụ. Do đó, việc “giải phóng” các công viên để tạo ra một không gian giao thoa với môi trường xung quanh, nơi vui chơi cho nhân dân là điều cần xem xét.
Hà Nội nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa Nghiên cứu phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Thủ đô
Để công viên là không gian mở
Ảnh minh họa.

Mấy năm trước, hai công viên nhỏ trước các trường Đại học Thủy lợi, Đại học Công đoàn (phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) được “bảo vệ” bởi những bức tường chắn được xây khá kiên cố khiến ai đi qua cũng nhầm tưởng khuôn viên của hai trường đại học này. Thế rồi, những bức tường được dỡ bỏ, công viên được chỉnh trang, ai đi qua cũng cảm nhận sự giao thoa giữa công viên với khu vực xung quanh. Điều này không chỉ tạo ra cảnh quan đẹp, hài hòa mà còn thêm không gian vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Vừa qua, có dịp đi công tác thành phố Hồ Chí Minh, khi đi tham quan một số nơi tại các quận trung tâm như quận 1, quận 3, nhìn hệ thống các công viên xanh mướt, không có rào chắn với phố phường, người dân thư thái tản bộ, các cháu nhỏ thỏa thích vui chơi, anh bạn đi cùng nhận xét: Với đô thị, khi có không gian xanh không bị phân chia ranh giới bởi tường rào, môi trường sống trở nên thanh bình hơn, đô thị trở nên hài hòa hơn.

Từ câu chuyện 2 công viên nhỏ trên phố Tây Sơn và hệ thống công viên ở thành phố Hồ Chí Minh, nhìn lại hệ thống công viên ở Hà Nội hiện tại có thể nói, hệ thống công viên của Thủ đô rất rộng và đẹp. Ví như công viên Thống Nhất, công viên Bách Thảo, công viên Thủ Lệ, công viên Tuổi Trẻ… Tuy nhiên, vì một số lý do, hiện các công viên này được vây quanh bởi hệ thống tường rào và bán vé cho nhân dân, du khách có nhu cầu vào tham quan công viên.

Cần nói lại một lần nữa, xây tường bao xung quanh công viên hay tổ chức bán vé tham quan xuất phát từ nhiều lý do và có căn nguyên lịch sử, tuy vậy xét trên góc độ không gian sống, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị và đặc biệt tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng gắn kết, thì việc tổ chức không gian mở (không xây tường rào chắn) nên cần được nghiên cứu.

Ví dụ, xung quanh công viên Thống Nhất, phía Tây là hồ Ba Mẫu, phía bắc là hồ Thiền Quang lại tiếp giáp 4 phố: Đại Cồ Việt, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, nếu để không gian mở bằng việc bỏ hệ thống tường vây quanh sẽ tạo ra cảnh quan và không gian văn hóa tuyệt đẹp. Tương tự, các công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Tuổi Trẻ cũng vậy.

Bàn về nội dung này với người viết, một kiến trúc sư cảnh quan cho hay, trong bối cảnh Hà Nội nói riêng và thành phố khác của cả nước nói chung đang có tốc độ thị hóa rất nhanh thì yếu tố “xanh hóa” cũng phải tỷ lệ thuận. Song đây mới là yếu tố cần, còn yếu tố đủ phải thiết kế mảng xanh, công viên xanh hòa quện với đô thị và kiến trúc xung quanh, không nên tách bạch hệ thống công viên bằng các tường rào bao quanh ra khỏi cộng đồng.

Với phương châm xây dựng Thủ đô sáng- xanh- sạch, văn minh, hiện đại từ những “tiềm năng” hiện có, mỗi công dân dưới góc nhìn khoa học có những đóng góp, thậm chí hiến kế để Thành phố ngày càng xanh hơn, đẹp hơn, văn minh hơn.

Với hệ thống công viên của Thủ đô, hy vọng các cấp có liên quan sẽ nghiên cứu để tạo hệ thống không gian mở góp phần để Thủ đô ngày càng đẹp hơn nữa.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này