Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Quyền lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu

09:13 | 17/05/2022
(LĐTĐ) Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành, tỉnh, thành có đưa ra phương án chung cư sở hữu có niên hạn sử dụng của công trình. Theo hướng này, “sổ hồng” sẽ được cấp cho khách hàng mua căn hộ chung cư sẽ chỉ có thời hạn 50 - 70 năm theo thời hạn công trình thay vì được sở hữu, sử dụng lâu dài như hiện nay. Đề xuất này đã làm nảy sinh nhiều tranh luận về quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân...
Để mọi người đều có chốn an cư! Cần xem lại quy định cho vay mua nhà ở xã hội Sửa đổi 2 luật liên quan đến bất động sản

Hai phương án lựa chọn

Theo dự thảo sửa đổi Luật nhà ở, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ hai phương án. Phương án 1 sẽ cấp “sổ hồng” cho căn hộ chung cư theo chế độ sử dụng đất quy định tại Luật đất đai (gồm đất ở lâu dài, đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng từ 50 - 70 năm). Trường hợp này nếu chung cư cũ, hư hỏng thì tiếp tục áp dụng Nghị định 69. Phương án 2 là công trình chung cư thiết kế tuổi thọ bao nhiêu thì quyền sử dụng căn hộ sẽ được cấp theo đúng tuổi thọ công trình.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Quyền lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu
Ảnh minh họa

Cho rằng công trình nhà chung cư không thể vĩnh cửu nên Bộ Xây dựng đang “nghiêng” về phương án cấp “sổ hồng” có thời hạn cho căn hộ chung cư. Sau khi hết thời hạn sử dụng, các cơ quan chức năng sẽ kiểm định chất lượng công trình nhà chung cư, nếu bảo đảm về chịu lực, an toàn cho sử dụng sẽ gia hạn thời gian sử dụng căn hộ cho người dân. Theo Bộ Xây dựng, hiện chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện hành thì thời hạn sử dụng của công trình xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng thực tế.

Theo khảo sát, thị trường nhà chung cư hiện nay cũng đã có hai dạng căn hộ: Căn hộ sở hữu lâu dài và căn hộ có thời hạn sở hữu chỉ 50 năm, 70 năm. Đặc điểm loại chung cư này là giá rẻ hơn so với giá các căn hộ lân cận, cùng phân khúc, đơn cử như: Chung cư có địa chỉ tại 125 Hoàng Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội)…; Còn tại thành phố Hồ Chí Minh có Republic Plaza (Tân Bình), Cộng Hòa Garden (Tân Bình), CT Plaza Minh Châu (quận 3), Charmington La Pointe (quận 10)…

Đáng nói hơn, căn cứ vào Điều 126 Luật Đất đai thì thời hạn giao đất cho chủ đầu tư được xác định theo thời hạn của dự án; người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này. Do đó, đây cũng là vấn đề cần phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự.

“Về quyền sử dụng đất thì sử dụng lâu dài, nhưng đối với tài sản trên đất là công trình xây dựng, nhà ở lại có thời hạn sử dụng. Vì vậy, đây cũng là vấn đề cần phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự”, Bộ Xây dựng lý giải cho đề xuất này.

Cũng theo Bộ Xây dựng, trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ vừa qua (đối với các nhà chung cư cũ xây dựng từ trước năm 1994) cho thấy sự khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi, di dời, việc phá dỡ nhà chung cư bị kéo dài, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng lớn tới công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Căn cứ tình hình thực tế hiện nay cho thấy, trong thời gian tới cũng cần phải quan tâm đến các chung cư được xây dựng từ khi có Luật Nhà ở 2005 trở lại đây để có các quy định phù hợp, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan Nhà nước thực hiện việc thu hồi, phá dỡ, xây dựng lại chung cư, tránh tình trạng lặp lại các tồn tại trong thời gian vừa qua như đối với loại hình chung cư cũ. Do đó, việc nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là hết sức cần thiết…

Liên quan đến vấn đề này, trong một hội nghị góp ý sửa đổi Luật nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, chia sẻ, trên thế giới nhiều nước đã quy định nội dung này. Có nước quy định thời gian sở hữu 40 năm, có nước 70 năm, có nước 100 năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư đang có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề này cũng liên quan đến Luật đất đai có quy định thời hạn sử dụng đất cho nhà chung cư không. Đây là những nội dung còn phải được nghiên cứu.

Hài hòa lợi ích các bên

Viện dẫn các quy định của Luật hiện hành, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, việc cấp “sổ hồng” cho các căn hộ chung cư ở Việt Nam hiện được chia thành hai loại. Những khu chung cư xây dựng trên đất thuê thương mại, dịch vụ thì cấp “sổ hồng” thời hạn 50 - 70 năm. Những khu chung cư xây dựng trên đất ở ổn định, lâu dài có “sổ hồng” thời hạn sử dụng là lâu dài, vĩnh viễn.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Quyền lợi của người dân phải đặt lên hàng đầu
Theo Bộ Xây dựng việc nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là hết sức cần thiết, góp phần hạn chế các “tồn tại” như đối với loại hình tập thể cũ. Ảnh minh họa

Lý giải vấn đề này, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong giao quyền sử dụng đất có: Giao quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài và giao quyền sử dụng đất có thời hạn. Với các khu vực cấp đất có thời hạn sử dụng nhất định, việc cấp “sổ hồng” có thời hạn cho căn hộ hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, đất xây dựng chung cư trong các khu đô thị mới hoặc một số khu đất chuyển đổi chức năng thường có thời hạn sử dụng từ 50 - 70 năm. Từ thực tế này, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng thời hạn cấp “sổ hồng” cho căn hộ chung cư bao lâu sẽ phụ thuộc vào quyền sử dụng thửa đất xây các tòa nhà chung cư.

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, bản chất nhà chung cư sẽ xuống cấp theo chu kì, do đó xác lập quyền sử dụng căn hộ cũng như các công trình sở hữu chung khác có thời hạn phù hợp với tuổi thọ là phù hợp, vấn đề này cũng là xu hướng chung của thế giới mà Việt Nam cần phải học. Đây cũng là đáp án hợp lý cho bài toán quản lý Nhà nước đối với công trình xây dựng sắp hết niên hạn sử dụng sau này.

Nhà là một trong những tài sản trị giá lớn, trong bối cảnh đất chật, người đông, các đô thị đang hướng tới mô hình xây dựng các khu chung cư và thực tế các căn hộ chung cư đang hút lượng khách mua rất lớn, cư dân ở các khu chung cư rất nhiều. Vấn đề đặt ra, nếu chỉ cấp niên hạn “sổ hồng” (quyền sở hữu nhà) gắn với thời hạn sử dụng (tuổi thọ chung cư) trong vòng 50- 70 năm thì sau đó, người sử dụng nhà sẽ về đâu? Quy định tuổi thọ của chung cư là đúng, nhưng đi kèm đó việc cấp sổ phải có chế tài thế nào để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của cư dân đang sở hữu chung cư đó như với các cư dân đang sinh sống tại các chung cư cũ đang trong quá trình cải tạo, xây mới hiện nay.

Tuy nhiên, dù là một chính sách đúng nhưng để vận dụng vào thực tế một cách thấu tình đạt lý cần quá trình tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, trường hợp quy định căn hộ sở hữu có thời hạn 50 năm thì chính sách thuế, phí, tiền sử dụng đất phải thấp hơn so với sở hữu lâu dài. Bên cạnh đó, để hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân, chìa khóa nằm ở thời gian làm thủ tục pháp lý dự án phải được rút ngắn, đơn giản nhất có thể để có được chi phí hợp lý. Thứ ba, cần cơ chế nguồn vốn với lãi suất phù hợp điều kiện thị trường, có như vậy bài toán kinh tế xây dựng của nhà đầu tư mới được đảm bảo, giảm chi phí sử dụng vốn.

Để thực hiện được chính sách cấp “sổ hồng” có thời hạn cho chung cư, Kiến trúc sư Chu Khánh Toàn, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng tổng hợp (NAGECCO) cho rằng, Luật không thể quy định máy móc tất cả các công trình nhà ở chung cư có chung một thời hạn sử dụng là 50 năm hay 70 năm vì không tương thích với quyền sử dụng đất ở lâu dài của cư dân. Quy định thời hạn sử dụng cần bảo đảm quyền sử dụng căn hộ chung cư và cả quyền sử dụng đất xây dựng tòa chung cư của các hộ dân.

Trường hợp nếu hết thời hạn sử dụng nhưng công trình chung cư vẫn còn sử dụng được thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm gia hạn thời gian sử dụng nhà cho người dân, tùy theo kết quả kiểm định chất lượng tại thời điểm đó. Ngoài ra, với những khu chung cư đã cấp quyền sử dụng lâu dài cho người dân trước thời điểm Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực thì cần tôn trọng những gì lịch sử để lại, không được hồi tố. “Cần đánh giá tác động về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư 50 năm trong Luật Nhà ở cùng các chính sách pháp luật liên quan khác. Việc sửa đổi phải đảm bảo quy định đồng bộ, tránh xung đột, chồng chéo vừa bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước, nhà đầu tư... Trong đó, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân phải đặt lên cao nhất”, Kiến trúc sư Chu Khánh Toàn cho hay./.

Căn hộ hết thời hạn 50 năm rồi... ở đâu?

Chị Hoàng Thị Thủy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm):

Liệu người dân sẽ thiệt thòi?

Mới đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Bộ Xây dựng đang đưa ra đề xuất phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn sử dụng của công trình. Theo dự thảo này, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án, trong đó có 1 phương án là: Thời hạn sở hữu chung cư được xác định cùng thời hạn sử dụng của công trình theo pháp luật về xây dựng. Chung cư sẽ được sở hữu có thời hạn nhưng tuỳ theo thiết kế công trình hoặc theo thực tế sử dụng, theo dự án của từng loại nhà chung cư mà quy định có thời hạn sở hữu như 50 năm hay 70 năm.

Khi nghe qua đề xuất này, tôi cảm thấy khá bất ngờ và lo lắng. Sở dĩ, vợ chồng tôi sau nhiều năm tích cóp mới có thể mua được chung cư ở Hà Nội, nếu Luật Nhà ở được chỉnh sửa như trên thì chắc chắn hàng triệu người dân sẽ bị thiệt thòi vì đến lúc đó rất ít người mua nhà chung cư, giá căn hộ giảm đột ngột. Không chỉ riêng tôi, mà trên thực tế, khi mua chung cư hay nhà đất người dân đều mong muốn được an cư lạc nghiệp và sau này được để lại cho con cái. Qua 50 năm, người khá giả thì có thể có lựa chọn mới nhưng với những người không có điều kiện thì sẽ ra sao? Giải pháp để ổn định cho người dân như thế nào? Điều này sẽ khiến nhiều người phải cân nhắc khi mua chung cư

Anh Nguyễn Văn Bá (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm):

Căn hộ còn mang giá trị tài sản lớn

Theo tôi được biết, hiện nay cũng đã có hai dạng căn hộ: Căn hộ sở hữu lâu dài và căn hộ có thời hạn sở hữu chỉ 50 năm, 70 năm. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai dạng căn hộ này là quyền lợi của người dân sau khi hết thời hạn giao đất. Khi dự án hết niên hạn, chung cư cũ hỏng không đạt chất lượng quy định an toàn của Nhà nước sẽ được yêu cầu xây mới để tái định cư tại chỗ hoặc tái định cư nơi khác. Tuy mức giá căn hộ xây mới sẽ dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm đó nhưng người sở hữu vẫn còn quyền lợi của mình trong dự án. Trong khi đó, các căn hộ sở hữu 50 năm thì người mua sẽ không được hưởng lợi ích, bồi thường giải tỏa.

Do vậy, tôi thấy đề xuất chung cư sở hữu có thời hạn là chưa hợp lý bởi vì theo như đề xuất, khi căn hộ hết niên hạn, người mua nhà sẽ phải trả nhà, không còn chỗ ở, không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Điều này không phù hợp với chính sách an cư, an sinh của Nhà nước. Nếu sở hữu có thời hạn thì người dân mua nhà chẳng khác nào đi thuê nhà dài hạn. Hơn nữa, từ xưa đến nay, văn hóa chung của người Việt, nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn có giá trị thừa kế. Hiện tại trừ hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì người dân ở nhiều nơi chưa có thói quen ở chung cư. 61 tỉnh, thành còn lại rất khó bán được căn hộ chung cư, ngoại trừ khu vực lõi các đô thị trung tâm. Như vậy, nếu chọn chính sách chung cư sở hữu có thời hạn 50 năm sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Chính phủ là khuyến khích thói quen, tập quán ở nhà chung cư. Thậm chí người dân sẽ thêm hoang mang với loại hình nhà ở này.

Luật sư Trịnh Khánh Toàn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội):

Cần làm rõ các vấn đề pháp lý

Trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đưa ra phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn sử dụng của công trình. Theo hướng này, giấy chứng nhận cấp cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn 50 năm, 70 năm thay vì lâu dài như hiện nay. Trên thực tế, đây là một vấn đề dân sinh rất lớn bởi hơn 50 năm tới sẽ có khoảng 50% dân số Việt Nam sống tại các căn hộ chung cư. Quyết định này có thể ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trong tương lai khi bất động sản là một tài sản lớn nhất của người Việt hiện nay.

Với quan điểm của Bộ Xây dựng tôi thấy rất phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng đối với các công trình, bởi chung cư theo thời gian sẽ xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Vấn đề cốt lõi ở đây là sở hữu, quản lý, giá trị đất đai. Hiện nay có nhiều dự án nhà ở thương mại căn hộ có giá 60 - 80 triệu đồng/m2, giá trị căn hộ chỉ chiếm một phần trong tổng giá trị về đất. Sau khi hết 50 - 70 năm thu lại thì dân ở đâu, họ lại tiếp tục đi tạo dựng nhà ở?

Trên thực tế, đây là mối quan hệ dân sự giữa khách hàng với chủ đầu tư, không phải là mối quan hệ hành chính giữa Nhà nước và người dân. Bởi vậy cần phải thảo luận cho thấu đáo, quy định chi tiết. Ví dụ trong trường hợp sau 50 năm quyền sử dụng của người dân hết, trong khi quyền sử dụng khu đất xây chung cư vẫn còn thì khu đất này thuộc về ai? Vì theo Luật Đất đai năm 2013 thì chỉ có đất ở mới được xây nhà. Khi được giao đất làm dự án chủ đầu tư đã phải nộp tiền thuế đất cho Nhà nước. Nhà nước sẽ không được lấy lại sau 50 - 70 năm, còn đất lại thuộc về chủ đầu tư thì rất bất hợp lý. Do vậy, cần nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn kinh tế, xã hội, luật pháp... rồi mới đi đến quyết định để tránh những hệ lụy phức tạp về sau./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này