Sắc xanh liệu có sớm “ngập tràn” các sàn chứng khoán?

16:15 | 17/05/2022
(LĐTĐ) Trong những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có những biến động giảm rất mạnh, rơi vào tình trạng “con gấu”(tiếng Anh là Downtrend, thuật ngữ để chỉ thị trường bước vào giai đoạn giảm giá) thứ 5 trong lịch sử. Trước thực trạng này, vừa qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có cuộc họp khẩn nhằm sớm ổn định thị trường. Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư quan tâm, bước sang tuần mới, sắc xanh liệu có phủ kín các sàn giao dịch?
Liệu có “bong bóng” chứng khoán? Chứng khoán bán tháo trên diện rộng, lao dốc mạnh

Không để “con gấu” ngủ quá lâu

Tuần qua, chứng khoán Việt Nam lọt top những thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh nhất thế giới trong những tháng đầu năm 2022. TTCK tiếp tục chứng kiến thêm những phiên bán tháo mạnh, khiến chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch tuần qua xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ cứng 1.200 điểm.

Sắc xanh liệu có sớm “ngập tràn” các sàn chứng khoán?
Thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào thị trường “con gấu” thứ 5 trong lịch sử.

Đây là lần thị trường “con gấu” thứ 5 trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Những đợt trước lần lượt rơi vào 2007 - 2008, 2010 - 2012, 2018 - 2019 và 2020 - 2021. Trước làn sóng, TTCK liên tục giảm, thậm chí chạm đáy trong thời gian dài tâm lý các nhà đầu tư là bi quan. Xu thế mua vào ít hơn với nhu cầu bán ra để cắt lỗ của các nhà đầu tư. Thị trường đã rung lắc vì thế càng chao đảo thêm.

Trước tình hình đó, mới đây, UBCKNN và Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chủ trì với Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán đã có cuộc họp yêu cầu các sàn phải công bố giao dịch tự doanh. Đại diện lãnh đạo UBCKNN cho biết, trước mắt, Ủy ban yêu cầu VNX chỉ đạo HOSE và HNX thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ trình Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

“UBCKNN sẽ giao VNX chỉ đạo HNX và HOSE đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5 - 10 phiên”, đại diện lãnh đạo UBCKNN cho biết.

UBCKNN và các công ty chứng khoán đồng quan điểm cho rằng, TTCK Việt Nam giảm điểm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ xu thế giảm điểm của TTCK thế giới và một số nguyên nhân trong nước. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.

Theo các chuyên gia, trong thời điểm thị trường “con gấu” này, nhà đầu tư thường dễ mắc những sai lầm bán tháo theo thị trường chung với tâm lý đám đông, không có chiến lược quản trị rủi ro hoặc cố gắng bắt đáy.

Tại buổi talkshow mới nhất với chủ đề: “Tồn tại qua giông bão”, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank Phan Dũng Khánh có đưa ra 2 trường hợp để lý giải thị trường “con gấu”. Một là lực mua lớn hơn bán, tức là dòng tiền dương. Hai là người bán tạm ngưng bán, thị trường vẫn lên nhưng thông thường đà sẽ yếu và chỉ gọi đó là hồi. Nhà đầu tư ngắn hạn cần lưu ý những yếu tố này. Chỉ những “chứng sĩ“có kỹ năng đầu tư, phân tích, bắt đáy tốt cũng như chịu được rủi ro cao thì mới nên bắt đáy, nên nhìn vào dòng tiền và đi theo thị trường tài chính.

"Tiền dương thì mua vào còn tiền âm thì bán ra. Tuy nhiên chúng ta cần quan sát xem đó là dòng tiền ngắn hạn hay dài hạn. Muốn kiếm được tiền trên thị trường tài chính thì phải đi theo thị trường chứ không phải chống lại nó", ông Phan Dũng Khánh nói.

Nhận diện chiêu trò thao túng!

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, thao túng TTCK là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK. Nhiều cá nhân, tổ chức vì ham lợi trước mắt vẫn âm thầm lách luật nhằm thao túng chứng khoán hay làm giá cổ phiếu, khiến nhiều nhà đầu tư bị thua thiệt, thậm chí là trắng tay.

Về điều này, trao đổi với Lao động Thủ đô, ông Đoàn Xuân Tùng - Giảng viên nền tảng giáo dục đầu tư chứng khoán Gmstock, cho biết, 2 phương pháp phổ biến để “đội lái” (những người nhiều tiền hoặc cổ phiếu muốn thao túng giá) làm giá cổ phiếu. Trong đó, phổ biến nhất là phương pháp phân phối giá sàn và phương pháp phân phối giá trần.

Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, dù nhiều biến động, nhưng cũng như nhiều TTCK trên thế giới, TTCK Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm Covid-19. Chỉ số VN-Index đã nhiều lần lập đỉnh mới và đạt mức cao nhất vào ngày 6/1/2022 tại 1.528,57 điểm. Sau khi đạt mức đỉnh lịch sử, thị trường bước vào giai đoạn diễn biến giằng co và có sự bứt phá mạnh trở lại vào đầu tháng 4 lên mức tiệm cận đỉnh lịch sử 1.524,7 điểm vào ngày 4/4/2022. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh giảm rất mạnh kể từ đầu tháng 4 đến nay. Tính đến ngày 13/5, mất mốc 1200 điểm, giảm xuống còn 1.182,77 điểm.

Theo ông Đoàn Xuân Tùng, đối với phương pháp phân phối giá sàn thường xuất hiện một hoặc hai phiên trước cổ phiếu bị đạp sàn với mức thanh khoản ở mức trung bình hoặc cao hơn trung bình. Có lúc dư mua sàn, lúc dư bán sàn nhưng lượng dư mua dư bán sàn chỉ ở mức vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị. Thanh khoản tăng đột biến so với các phiên trước đó, có thể sẽ gấp đôi hoặc hơn.

Khi một cổ phiếu được "đánh lên" và đã phân phối vài phiên ở mức giá đỉnh, “đội lái” áp dụng các mức giảm 38,2%; 50% và 61,8% của chỉ báo Fibonacci để lừa nhà đầu tư chuộng phân tích kỹ thuật. Khi đến phiên chạm những mức trên, “đội lái” tiến hành phân phối giá sàn trong phiên đó.

Bằng một số tài khoản ảo, “đội lái” sẽ đặt bán sàn một lượng rất lớn ngay trước khi bắt đầu phiên. Sau đó tiếp tục dùng tài khoản đối ứng đặt vài lệnh mua giá sàn có khối lượng khá lớn và liên tục và bồi thêm vài lệnh mua. Khi thấy lượng mua giá sàn sôi động, nhà đầu tư nhỏ lẻ tranh nhau nhảy vào bắt đáy và sẽ mua hết lượng cổ phiếu mà “đội lái” đã đặt bán từ đầu. Giá cổ phiếu sau đó sẽ tăng. Sau khi cân đối, “đội lái” lại dùng các tài khoản ảo cùng lúc bán ra lượng lớn và cổ phiếu lại bị dư bán sàn.

Với phương pháp phân phối giá trần, ông Tùng cho rằng nó tương tự với phương pháp phân phối giá sàn. Tuy nhiên phương pháp này tốn kém hơn rất nhiều và kém hiệu quả. Nhưng, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm vẫn bị lừa và lao vào đua trần bất chấp rủi ro tiềm ẩn.

Theo đó, “đội lái” sẽ đẩy lệnh mua dần vào để khớp hết các lệnh bán và đẩy mức giá cổ phiếu tăng kịch trần. Sau đó, họ sẽ trao tay, mua trần tay phải, bán trần tay trái nhằm tạo giao dịch sôi động. Lúc này, lệnh mua luôn chủ động và chiếm ưu thế trước lệnh bán để thu hút sự chú ý của nhỏ lẻ. Đồng thời họ có thể đẩy vài lệnh kê mua to bên dưới mức giá trần nhằm tạo lực cầu lớn và cảm giác yên tâm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

“Nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm sẽ nhảy vào đua lệnh mua trần. “Đội lái” có thể kiểm soát được lượng mua giá trần của nhà đầu tư nhỏ lẻ và sẽ cân đối bán ra từ từ đúng bằng lượng mua của nhỏ lẻ”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tất nhiên, nhưng chiêu mà ông Tùng nêu ra các cơ quan quản lý chứng khoán biết thừa, vấn đề nằm ở chỗ tính nghiêm minh trong công tác quản lý chứng khoán thế nào mà thôi.

TTCK vừa là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế đồng thời cũng là nơi “đo” sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế ra sao. Do đó, những chỉ số kinh tế vĩ mô tốt, những tín hiệu tích cực về chỉ số kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp tốt sẽ là các yếu tố cần và đủ để thị trường lấy lại đà tăng trưởng. Đặc biệt, trong một nền kinh tế, khi dòng tiền “trú chân” quá nhiều vào thị trường bất động sản, thì với việc vừa qua Hội nghị Trung ương 5 đã bàn rất kỹ vấn đề đất đai, hy vọng đây là tín hiệu tốt để “nắn” dòng tiền đầu tư vào chứng khoán, kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế nước nhà phát triển. Tin tưởng, sắc xanh rồi sẽ trở lại các sàn giao dịch./.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này