Nông dân “chóng mặt” ứng phó giá phân bón tăng

16:24 | 12/05/2022
(LĐTĐ) Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá phân bón tăng cao chưa từng có trong 50 năm qua, đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nhiều người nông dân tính đến việc bỏ ruộng để chuyển sang làm việc khác với mức thu nhập tốt hơn.
Giá phân bón tăng chưa từng có trong 50 năm qua Làm gì để thương hiệu nông sản Việt Nam vươn xa?

Giảm sản lượng để đảm bảo nguồn thu

Trong 4 tháng đầu năm 2022, số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, Việt Nam xuất khẩu 627.932 tấn phân bón, thu về 412 triệu USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời nước ta cũng đã chi tới 595 triệu USD để nhập khẩu 1,252 triệu tấn phân bón trong 4 tháng đầu năm.

Trong đó có gần một nửa kim ngạch nhập khẩu là từ thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn phân bón, thu về 560 triệu USD nhưng cũng chi tới 1,4 tỷ USD để nhập về 4,5 triệu tấn phân bón các loại.

Nông dân “chóng mặt” ứng phó giá phân bón tăng
Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh buộc phải giảm sản lượng rau củ trong bối cảnh giá phân bón ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón đã liên tục tăng cao, đặc biệt đầu năm 2022, giá phân bón đã đạt đỉnh ở mức hơn 16-18 triệu đồng/tấn tùy loại. Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, ure, NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.

Trong khi đó, các nhà máy sản xuất DAP chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Cân đối lượng phân bón xuất, nhập khẩu thì hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu thêm từ 2,7 - 3,5 triệu tấn phân bón vô cơ, chủ yếu là phân kali (khoảng 1,1 - 1,2 triệu tấn) và phân SA (khoảng 1 - 1,5 triệu tấn).

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Quang Quân (xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) cho biết, gia đình ông có 2 mẫu ruộng cấy lúa hàng năm, chi phí phân bón cho mỗi vụ tốn khoảng 1,7 triệu đồng, nhưng hiện giá phân bón tăng cao, mỗi vụ sẽ phải tốn khoảng 3 triệu đồng.

“Làm ruộng vất vả với khoản thu không đáng kể, nhưng các loại chi phí thì cứ tăng, từ tiền xăng, nhân công, thậm chí là cả phân bón. Nếu tính ra thì tiền thuê lao động liên tục tăng cao như hiện tại thì người nông dân chúng tôi được lãi rất ít. Giá phân đạm hiện giờ đã tăng lên sát 20.000 đồng/kg mà trước kia chỉ là gần 6.000 đồng, nguồn hàng này cũng khá là khan hiếm. Trong khi nhiều hộ sản xuất đã nghĩ tới việc bỏ ruộng để chuyển sang làm việc khác, nhưng bây giờ chúng tôi vẫn cố gắng bám trụ theo”, ông Quân tâm sự.

Phân đạm là nguyên liệu đầu vào chính, cơ bản để sản xuất các loại phân bón vô cơ như phân đạm, ure... Cùng với đó, nhiều nguyên liệu, hóa chất khác để sản xuất phân bón, chi phí logistics, nhân công... đều tăng. Đặc biệt, với mặt hàng kali, Việt Nam đang nhập khẩu phần lớn từ Nga - Ukraine.

Giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu hộ nông dân, bởi chi phí tăng nhưng giá bán thành phẩm nông nghiệp lại không thể tăng tương ứng. Bên cạnh đó, giá dầu vẫn ở trên 100 USD/thùng và chưa có dấu hiệu giảm xuống. Do vậy, giá phân bón sẽ phần nào đó bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh, thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có chia sẻ, mỗi năm đơn vị cung cấp 1.000 - 1.300 tấn rau củ quả xuất đi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh... Nhưng năm nay ít hơn bình thường, giảm 300 tấn.

“Trước đây mất 650.000 đồng/bao phân bón 50kg, giá thành 4.000 - 6.000 đồng/kg. Nhưng giờ giá phân bón gần 1,5 triệu đồng/bao. Nhà vườn phải tăng giá bán lên 6.000 - 12.000 đồng/kg tùy loại. Do giá thành phân bón tăng cao, để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, chúng tôi sẽ không sản xuất đại trà; sẽ chỉ trồng và sản xuất theo đơn đặt hàng của chuỗi cung ứng, công ty chế biến nông sản ở hợp đồng có sẵn. Từ đó sản lượng giảm lại nhưng sẽ đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân", ông Cường chia sẻ.

Khả năng giá vẫn còn tăng cao

Trong công văn gửi Bộ Tài chính về tình hình sử dụng phân bón năm 2021 và dự báo nhu cầu sử dụng phân bón trong nước năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, trong thời gian tới, thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt, đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này.

Lý giải về nguyên nhân đợt tăng giá này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: “Giá phân bón tăng cao không có gì đáng ngạc nhiên, bởi mặt hàng phân bón nhập từ hai nước Nga - Ukraine đang khan hiếm, đây lại là nguồn cung rất lớn cho châu Á; đặc biệt, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn cung. Chưa kể các chi phí đều tăng lên, nhưng việc giá phân bón tăng cũng không phải là một lần, mà trước kia cũng đã có một vài lần khác xảy ra. Ảnh hưởng lớn nhất là nông dân, bởi chi phí đầu vào tăng làm tổng chi phí sản xuất cũng tăng theo, trong khi giá bán ra sản phẩm lại chưa chắc đã tăng”.

Trong tháng qua, giá bán lẻ phân bón trên thị trường Mỹ tăng. Phân DAP tăng mạnh nhất với 8% lên 1.047 USD/tấn. Tiếp đó là phân urê tăng 7% lên 1.017 USD/tấn, phân MAP tăng 6% lên 1.071 USD/tấn, phân kali tăng 4% lên 875 USD/tấn. Các loại phân lót, phân khô cũng tăng. Trong khi đó, thị trường nội địa tháng 4 cũng sôi nổi tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Giá các loại phân bón đều có mức tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg. Đây là đợt tăng thứ 4 liên tiếp.

Giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc có mức 1,34 triệu đồng/bao (26.800 đồng/kg), phân DAP nội địa là 1,12 triệu đồng/bao (22.400 đồng/kg), phân kali 975.000 đồng/bao (19.500 đồng/kg), phân urê là 910.000 đồng/bao (18.200 đồng/kg), phân NPK Cò Pháp mức 21.900 đồng/kg, phân NPK đầu trâu TE 22.000 đồng/kg, phân NPK Việt Nhật 19.000 đồng/kg…

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi phí phân bón chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với phân DAP và kali. Việc Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Nga, trong đó có phân bón.

Ngoài ra, còn có hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU đối với Nga đã tác động thị trường phân bón thế giới, làm suy giảm nguồn cung, tăng giá. Đặc biệt, phân kali do cả Nga và Belarus sản xuất chiếm gần 50% lượng phân kali cung cấp trên toàn thế giới, và Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón này trong khi đang vào vụ mùa sản xuất.

Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.

Từ đó để áp thuế xuất khẩu phân bón với urê, DAP, MAP nhằm hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, giảm khó khăn cho nông dân. Đồng thời, Bộ kiến nghị kiểm soát xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón để đảm bảo nguồn cung nội địa trong tình hình khan hiếm như hiện nay./.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này