Đình công tại Công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động

17:02 | 10/05/2022
(LĐTĐ) Sáng ngày 10/5, hơn 1.000 công nhân lao động tại Công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific (trụ sở tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông) đã tổ chức ngừng việc tập thể để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện một số quyền lợi,… Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hà Đông và các cơ quan chức năng địa phương đã có mặt kịp thời đồng hành và hỗ trợ người lao động.
Hiệu quả từ phong trào “Gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu” quận Tây Hồ Phát hiện thêm thi thể thứ 3 trong vụ nổ bình gas ở phường Định Công Tăng cường các giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công

Được biết, thời gian qua các chế độ về lương, thưởng, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế,… cho người lao động tại Công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific vẫn đảm bảo đầy đủ. Tuy nhiên, do biến động của giá cả thị trường, nhiều mặt hàng tiêu dùng đã tăng mạnh, trong khi đó các chế độ cho người lao động tại doanh nghiệp chưa có sự điều chỉnh kịp thời, dẫn đến việc công nhân lao động thực hiện ngừng việc để phản đối doanh nghiệp vào sáng ngày 10/5.

Đình công tại Công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động
Tổ chức Công đoàn cùng các cơ quan chức năng địa phương vào cuộc tuyên truyền, vận động công nhân lao động quay trở lại làm việc.

Cụ thể, người lao động mong muốn doanh nghiệp thực hiện một số nội dung: Đề nghị Ban lãnh đạo Công ty cần thực hiện việc tăng lương cơ bản cho người lao động (mức tăng được đề nghị là 500 nghìn đồng/người/tháng; đề nghị thanh toán tiền phép năm 2021 cho người lao động; đề nghị tăng phụ cấp thâm niên theo từng năm; không được trừ tiền chuyên cần của công nhân lao động khi nghỉ phép dưới 3 ngày trong tháng; đề nghị Công ty hỗ trợ thêm tiền gửi xe cho người lao động (hiện mức hỗ trợ là 85 nghìn đồng/người/tháng); thời gian đóng, mở cửa Công ty chưa hợp lý,...

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, LĐLĐ quận Hà Đông đã vào cuộc và phối hợp cùng với các cơ quan chức năng quận Hà Đông, phường Mỗ Lao, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội quận,… có mặt kịp thời ở Công ty, lắng nghe toàn bộ ý kiến của công nhân lao động; đồng thời tổ chức phiên họp đối thoại, thương lượng với Ban Giám đốc doanh nghiệp để giải quyết các kiến nghị của người lao động.

Tại cuộc đối thoại, Ban Giám đốc Công ty đã giải quyết một số kiến nghị của người lao động như: Về thanh toán phép năm 2021, Công ty sẽ thực hiện chi trả cho toàn bộ người lao động; về vấn đề tăng lương cơ bản, đại diện doanh nghiệp cho biết, Công ty và Công đoàn Công ty đã tổ chức thương lượng 5 lần và đi đến thống nhất, sẽ tăng thêm 200 nghìn đồng/người/tháng (tính từ tháng 5/2022).

Đối với nội dung người lao động đề nghị được hỗ trợ tăng thêm tiền gửi xe do hiện nay giá trông giữ xe tăng, đại diện doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp sẽ xem xét tăng thêm tiền hỗ trợ này để bù đắp việc tăng chi phí gửi xe cho người lao động (hiện hỗ trợ 85 nghìn đồng/người/tháng). Về thời gian đóng, mở cửa Công ty, đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ thỏa thuận để thống nhất thời gian mở và đóng cửa (mong muốn của người lao động là buổi sáng 7h30 phút mới đóng cửa).

Đình công tại Công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động
Người lao động tại Công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific ngừng việc tập thể sáng ngày 10/5 do chưa thỏa thuận được một số nội dung với chủ doanh nghiệp.

Bên cạnh những nội dung đã thỏa thuận và thống nhất được, một số nội dung kiến nghị doanh nghiệp chưa đồng thuận, cụ thể là đề nghị tăng tiền phụ cấp thâm niên, đại diện doanh nghiệp cho biết, năm 2022 Công ty không thể tăng thêm khoản phụ cấp này và sẽ điều chỉnh vào năm 2023 (do năm 2020, 2021 doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Về nội dung người lao động mong muốn doanh nghiệp không thực hiện trừ tiền chuyên cần khi nghỉ phép 3 ngày trong tháng, đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, đây là tiền chuyên cần và là tiền để khuyến khích người lao động đã làm đủ ngày công, do đó yêu cầu này doanh nghiệp không đồng tình với ý kiến của người lao động.

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô về nội dung phản ánh của người lao động, đại diện Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội cho biết, 4/6 nội dung mà người lao động Công ty TNHH MTV may mặc Việt Pacific đề nghị đã được tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng, cùng đại diện Ban Giám đốc Công ty thống nhất tại buổi đối thoại; còn lại 2 nội dung nữa tổ chức Công đoàn ngành và các cơ quan chức năng, cơ quan đại diện người lao động sẽ tiếp tục đồng hành và thương lượng với doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

Theo đại diện Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội, do tác động của nền kinh tế, hiện doanh nghiệp và người lao động đều gặp nhiều khó khăn, do đó rất mong doanh nghiệp và người lao động đồng hành, chia sẻ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, Công đoàn ngành cũng sẽ tăng cường việc tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động đến tập thể người lao động và chủ sử dụng lao động để đảm bảo chấp hành đúng pháp luật lao động.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này