Xem xét tội tham ô đối với Huỳnh Thị Huyền Như

11:48 | 25/12/2014
Công tố viên tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như ngày 24/12 đã yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) buộc Vietinbank trả 1.085 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp và đề nghị khởi tố 2 phó giám đốc của chi nhánh ngân hàng này tại TPHCM.

Bỏ lọt tội phạm?

Trong phần tranh luận, công tố viên Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra lại hành vi tham ô của Huyền Như đối với khoản tiền 1.085 tỷ đồng đã chiếm đoạt từ các tài khoản của 5 doanh nghiệp được họ mở và chuyển cho Vietinbank. Nhóm 5 doanh nghiệp bị mất oan số tiền nói trên gồm các công ty Phương Đông, An Lộc, Toàn Cầu, Saigonbank-Berjaya (SBBS), Hưng Yên. Khoản tiền 1.085 tỷ đồng đã được xác nhận chuyển khoản vào tài khoản của Vietinbank và được ngân hàng này hạch toán. Công tố viên lập luận, Vietinbank đã để Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ số tiền này là vì ngân hàng không quản lý sát sao tài khoản của khách hàng khiến Như dễ dàng chiếm đoạt 1.085 tỷ. Vì thế công tố viên đề nghị  tòa buộc Vietinbank hoàn trả toàn bộ số tiền này cho các doanh nghiệp.

“Khách hàng không có lỗi trong việc gửi tiền. Họ không có trách nhiệm quản lý tài khoản, nghĩa vụ quản lý là của Vietinbank. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền, việc này là lỗi của Vietinbank. Theo quy định của pháp luật thì Vietinbank phải kiểm soát các tài khoản này. Do buông lỏng quản lý nên Vietinbank không phát hiện ra hành vi gian dối của Như. Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Huyền Như chỉ được thực hiện sau khi tiền đã vào tài khoản và được Vietinbank theo dõi. Vietinbank là doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước. Việc Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng từ tài khoản của Vietinbank là hành vi có dấu hiệu của tội tham ô tài sản”, công tố viên nói.

Theo công tố viên, 5 doanh nghiệp đã gửi tiền vào Vietinbank nên ngân hàng này phải trả tiền khi làm mất tiền của khách hàng. Huyền Như là người chiếm đoạt tiền của Vietinbank, Vietinbank là nguyên đơn dân sự từ hành vi tham ô của Huỳnh Thị Huyền Như. Bản án sơ thẩm đã xác định sai tội danh của Như, sai tư cách tố tụng của 5 đơn vị làm thiệt hại quyền và lợi ích của họ. Cũng từ lập luận này, công tố viên kiến nghị HĐXX yêu cầu cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố hai phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM là bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư, công tố viên ở tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm đã để lọt tội phạm.  Ảnh Khôi Nguyên

55866

Cũng cần lưu ý, các luật sư đã kiến nghị tòa xem xét tội tham ô đối với Huyền Như và trách nhiệm của một lãnh đạo Vietinbank liên quan đến vụ án này từ phiên sơ thẩm. Vì thế việc công tố viên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét tội danh tham ô của Huyền Như và buộc Vietinbank trả trên một nghìn tỷ cho các  doanh nghiệp là phù hợp.

Tách ACB ra xét xử riêng?

Đối với thiệt hại của hai ngân hàng ACB và Navibank, theo công tố viên, bản án sơ thẩm kết luận là đúng, nên đề nghị HĐXX bác kháng cáo của 2 ngân hàng này. Luật sư bào chữa cho ACB cho rằng, cấp sơ thẩm đã xác định sai tư cách tham gia tố tụng của ACB. ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này. Vì từ trước đến nay ACB không có đơn yêu cầu Huyền Như bồi thường số tiền chiếm đoạt. Trong thực tế, 19 nhân viên (được ủy quyền gửi tiền vào các tài khoản của Vietinbank tại các chi nhánh) của ACB đã có những vụ kiện dân sự đòi Vietinbank trả tiền tại các tòa án khu vực, nơi có các chi nhánh, phòng giao dịch của Vietinbank hoạt động.
Phía luật sư của  ACB đề nghị HĐXX xác định lại chính xác tư cách tham gia tố tụng của các bên. Cụ thể, VietinBank là nguyên đơn dân sự, nhân viên ACB là nguyên đơn dân sự trong án dân sự, là người bị hại trong vụ án hình sự, ACB là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong án dân sự lẫn hình sự. Luật sư đề nghị  tách phần dân sự giải quyết riêng bằng một vụ án khác để đảm bảo quyền lợi cho nhân viên ACB, Ngân hàng ACB. Luật sư cho rằng, phiên xử sơ thẩm có nhiều vi phạm như chưa triệu tập đầy đủ các cá nhân, tổ chức làm rõ tiền bị chiếm đoạt trong vụ án đi đâu. Cụ thể, liên quan đến phần tiền ACB gửi vào Vietinbank bị Huyền Như chuyển đi trả cho 29 cá nhân, tổ chức nhưng tại phiên sơ thẩm chỉ làm rõ 10 người.

Khôi Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này