Mong lương - giá là một thể thống nhất

10:08 | 10/05/2022
(LĐTĐ) Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước đang tạo ra sự đồng thuận và tin tưởng của nhân dân. Bên cạnh sự quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, một trong những vấn đề mà người dân mong muốn là cần tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách để không còn cơ hội cho tham nhũng.
Xây dựng văn hóa không tham nhũng
Mong lương - giá là một thể thống nhất
Ảnh minh họa.

Theo kinh nghiệm ở một số quốc gia, từ nền kinh tế chậm phát triển đến nền kinh tế đã phát triển trong lộ trình chống tham nhũng thường chia làm 3 bước gồm: Kéo giảm tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng. Ví dụ tại một số quốc gia phát triển, mỗi nhân viên, công chức chỉ được nhận khoảng trên 80% số tiền lương hàng tháng, còn lại tự động “chảy” vào quỹ.

Đến khi, nhân viên đó về hưu, nếu không bị truy tố do tham nhũng, ngoài được nhận lương hưu, còn nhận tổng số tiền từ quỹ mang lại (cả lãi). Cũng với hệ thống pháp luật, công tác thực thi pháp luật nghiêm minh và nền kinh tế lành mạnh dựa trên quy luật lương- giá là một thể thống nhất thì không ai dám tham nhũng. Vấn nạn tham nhũng vì thế cũng dần được đẩy lùi!

Ở ta, cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế, đất nước đã thu được nhiều thành quả trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… đi cùng đó hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, những năm qua vấn nạn tham nhũng, lãng phí vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi hơn.

Có nhiều người đặt câu hỏi, xét về mặt hành lang pháp lý, chúng ta có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… tại sao lãng phí còn lớn? Tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp? Và cũng nhiều người tự trả lời là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tuy nhiều nhưng còn kẽ hở; cán bộ có trọng trách chưa thực sự liêm chính, dẫn đến “bình thông nhau” về lợi ích làm nảy sinh tham nhũng.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong một giai đoạn với việc định giá thấp; lấy đất nông nghiệp làm dự án hay sơ hở trong quá trình đầu tư công… mà hàng loạt cán bộ bị kiểm điểm, khởi tố thời gian qua là ví dụ.

Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, người viết cho rằng, một nền kinh tế lành mạnh khi và chỉ khi lương - giá là một thể thống nhất. Người đi làm, hưởng lương phải trang trải được cuộc sống và có tích lũy. Song trong suốt mấy chục năm qua, đặc biệt hơn 15 năm trở lại đây, lương - giá có xu hướng ngày một cách xa nhau.

Nếu làm viên chức với lương khởi điểm 2,34, thậm chí những vị trí có hệ số lương cao ở mức 10 - 17 triệu đồng/ tháng, có tích góp 30 - 50 năm cũng không mua nổi căn hộ chung cư tại Hà Nội. Vì một mét vuông nhà đang dao động từ 15 - 40 triệu đồng; một mét vuông đất đang dao động từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Vì vậy, để chống tham nhũng hiệu quả, bên cạnh việc bịt lỗ hổng cơ chế, chính sách pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và sớm thành lập lại Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng… tại các tỉnh, thành cũng như “chấn chỉnh” lại đạo đức con người, điều quan trọng phải tiến hành cách mạng về vấn đề lương - giá. Đưa lương - giá về một thể thống nhất. Khi bài toán lương - giá được giải quyết, tham nhũng vặt cũng dần bị triệt tiêu, tham nhũng lớn cũng sẽ dần được đẩy lùi!

L. Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này