Chìa khóa giúp ổn định quan hệ lao động

08:37 | 10/05/2022
(LĐTĐ) Việc đảm bảo các điều kiện lao động bền vững cho người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trở thành một giá trị cạnh tranh trong xúc tiến thương mại, cũng như đảm bảo tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Do vậy, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội luôn xác định hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động của tổ chức Công đoàn.
Cán bộ Công đoàn Thủ đô hiến kế nâng cao chất lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể Công đoàn Thủ đô bàn giải pháp nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể

Công cụ quan trọng trong đại diện, bảo vệ người lao động

Tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thương lượng, ký kết, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ Thành phố cho biết: LĐLĐ thành phố Hà Nội luôn xác định hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động của tổ chức Công đoàn.

Chìa khóa giúp ổn định quan hệ lao động
Cán bộ LĐLĐ quận Long Biên đại diện cho người lao động thương lượng, đàm phán về TƯLĐTT với chủ sử dụng lao động tại doanh nghiệp.

Các cuộc thương lượng tập thể thành công là căn cứ để sửa đổi, bổ sung và ký kết mới các bản TƯLĐTT theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Lao động năm 2019; đảm bảo đời sống, phúc lợi tốt hơn cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp.

Thực hiện chủ trương trên, những năm gần đây, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT tại các đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả, trong năm 2021, số lượng các bản TƯLĐTT được sửa đổi, ký mới đạt 1.108 bản (tăng 400% so với năm 2020).

Tính đến 30/4/2022, các cấp Công đoàn Thành phố đã thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại được gần 2.900 bản TƯLĐTT. Một số Công đoàn cấp trên cơ sở tiêu biểu, đạt kết quả cao trong thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT như: LĐLĐ các quận Long Biên, Hà Đông; LĐLĐ các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đan Phượng, Phúc Thọ; Công đoàn ngành Xây dựng; Công đoàn các Tổng Công ty: Thương mại, Du lịch...

Tuy nhiên, ông Tạ Văn Dưỡng cũng nêu lên thực tế, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT của Công đoàn Thủ đô vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng TƯLĐTT còn thấp so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô; chất lượng một số TƯLĐTT chưa tốt, tỷ lệ xếp loại C, D còn cao; kỹ năng thương lượng của một số cán bộ Công đoàn còn hạn chế, chưa chủ động đưa ra nội dung để thương lượng, ký kết TƯLĐTT và đối thoại tại nơi làm việc… do đó cần có các giải pháp nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong thời gian tới.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT trên địa bàn quận Long Biên, bà Phan Thị Thu Hằng - Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho biết: TƯLĐTT được ví như một “Bộ luật Lao động con” tại mỗi doanh nghiệp. Một bản TƯLĐTT có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ và giải quyết mối các quan hệ lao động trong doanh nghiệp; trong đó, có những thỏa thuận với nội dung có lợi hơn cho người lao động và cao hơn quy định của pháp luật như: Chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tuyển dụng, cải thiện điều kiện làm việc, chế độ ăn ca, thăm quan nghỉ mát…

Nhấn mạnh thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng tại mỗi doanh nghiệp, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho rằng: Một bản TƯLĐTT có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Kết quả, đến nay trên địa bàn quận Long Biên đã có 210/231 Công đoàn cơ sở đã ký TƯLĐTT (đạt 90,9%), trong đó 64,3% bản TƯLĐTT chấm điểm đạt loại A, B. 100% bản TƯLĐTT có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động. Bên cạnh đó, LĐLĐ quận còn thực hiện tốt vai trò của đại diện người lao động đối với những đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn. Đến nay, LĐLĐ quận đã đại diện người lao động tiến hành thương lượng, ký kết được TƯLĐTT với 11 doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn.

Nâng cao vai trò của cán bộ Công đoàn cơ sở

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Công đoàn cấp trên cơ sở, những năm qua, nhiều Công đoàn cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc trong việc thương lượng, đàm phán, ký kết TƯLĐTT mang lại những điều khoản có lợi cho người lao động, song vẫn duy trì mối quan hệ hài hòa với chủ sử dụng lao động. Chia sẻ kinh nghiệm tại cơ sở, ông Trần Văn Hưng - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Nicotex cho biết: Xác định người lao động là tài sản của doanh nghiệp, do đó hằng năm, hằng tháng, hằng ngày, cán bộ Công đoàn phải thường xuyên trao đổi với chủ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.

Những điều khoản đưa ra trong TƯLĐTT phải đảm bảo có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. “Công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT có thành công hay không, có vai trò rất lớn của Chủ tịch Công đoàn cơ sở, không chỉ uy tín với người lao động mà phải uy tín với chủ doanh nghiệp nữa”, ông Hưng nhấn mạnh.

Từ thực tiễn hoạt động tại cơ sở, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, để đạt được hiệu quả cao trong công tác thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT, bên cạnh vai trò của Công đoàn cơ sở, không thể thiếu vai trò của Công đoàn cấp trên cơ sở. Trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động này, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Mạnh khẳng định, Công đoàn cấp trên cơ sở đóng vai trò then chốt trong việc kề vai, sát cánh cùng cán bộ Công đoàn cơ sở tham gia thương lượng, đàm phán với chủ sử dụng lao động.

“Thời gian qua, chúng tôi luôn đồng hành với Công đoàn cơ sở trong việc hướng dẫn, tư vấn kịp thời; tập huấn, mạn đàm để cùng chia sẻ kinh nghiệm. LĐLĐ huyện đã mời các Công đoàn cơ sở chưa ký kết TƯLĐTT trao đổi kinh nghiệm với đơn vị, doanh nghiệp đã ký kết thành công; đồng thời xây dựng bản Dự thảo mẫu TƯLĐTT, để các Công đoàn cơ sở vận dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh tại đơn vị.

Trong quá trình thương lượng, nếu Công đoàn cơ sở gặp khó khăn, lãnh đạo LĐLĐ huyện sẽ trực tiếp xuống cơ sở, gặp lãnh đạo doanh nghiệp để cùng bàn giải pháp tháo gỡ. Thực tế qua những buổi làm việc như vậy, hiệu quả, chất lượng ký kết TƯLĐTT tại cơ sở được nâng lên rõ rệt”, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Tại Tọa đàm, nhấn mạnh công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của LĐLĐ Thành phố trong 2022, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, các cấp Công đoàn cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu, người được phân công nhiệm vụ và giao chỉ tiêu thực hiện TƯLĐTT, từ đó sẽ có giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả. Cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở phải sâu sát cơ sở, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở; tạo được uy tín với chủ sử dụng lao động thông qua việc đối thoại thường xuyên với chủ sử dụng lao động, góp phần tạo sự gắn kết, cùng hướng tới mục tiêu: Việc làm bền vững và phúc lợi tốt hơn cho người lao động./.

N.Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này