Làm tốt công tác chuyển đổi số để hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật thuận lợi hơn

20:20 | 07/05/2022
(LĐTĐ) Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bổ trợ cho các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đang được các bộ, ngành thực hiện.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Bộ Tư pháp vừa tổ chức toạ đàm tham vấn ý kiến xây dựng, hoàn thiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.

Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bổ trợ cho các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đang được các bộ, ngành thực hiện, góp phần hướng đến mục tiêu cao nhất trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật.

Theo bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Tư pháp, người dân ngày càng quan tâm đến quyền tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực của đời sống, nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, đồng thời tích cực chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Làm tốt công tác chuyển đổi số để hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật thuận lợi hơn
Toàn cảnh buổi tọa đàm. (ảnh: Lê Sơn/VGP)

Tuy nhiên, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, địa bàn. Một số cơ quan, chủ thể có thẩm quyền, có trách nhiệm chưa thực sự quan tâm sát sao việc bảo đảm cho người dân tiếp cận pháp luật được kịp thời, đầy đủ, chưa chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện kỹ thuật số, thiết bị hiện đại trong các công tác này chưa được đầu tư tương xứng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay...

Tại toạ đàm, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được đưa ra rất đúng, trúng và kịp thời. Để hoàn thiện hơn nữa Đề án, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế đề nghị cần xây dựng đồng bộ các cơ chế, biện pháp bảo đảm về tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của người dân kết hợp với nhu cầu của cộng đồng xã hội.

Đồng thời, thực hiện điều tra, khảo sát về nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân tại các địa bàn cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật phù hợp. Các cơ quan nhà nước cần phối hợp tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp điều tra, khảo sát về tình hình thực hiện pháp luật để xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá về năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; xây dựng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá về thực hiện, đáp ứng cung cấp, hỗ trợ thông tin, cơ chế, nguồn lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; xây dựng nội dung tăng cường năng lực, tính chủ động của người dân trong tiếp cận các thông tin, loại hình dịch vụ pháp lý...

Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Ánh nhìn nhận, để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, cần nêu cao trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giáo dục cho người dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời chú ý đến các giải pháp hướng đến các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội...

Phát biểu kết luận toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng, các giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cần được xác định cụ thể dựa trên cơ sở bảo đảm sự tương tác quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa 3 nhóm chủ thể “Nhà nước - công dân và doanh nghiệp - tổ chức đoàn thể”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, cần tập trung vào một số giải pháp, trong đó, việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp không thể thiếu, và phải làm tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới để đáp ứng được yêu cầu tiếp cận pháp luật.

Đồng thời, tăng cường vai trò cơ quan báo chí, truyền thông; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nâng cao năng lực cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở cơ sở đối với các nhóm đối tượng ưu tiên trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này