Vì một thị trường chứng khoán phát triển bền vững: Tăng “tiền phòng - hậu kiểm”

13:10 | 05/05/2022
(LĐTĐ) Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang trong giai đoạn biến động mạnh kể từ cuối tháng 3 đến nay. Ngoài các tác động từ vĩ mô, TTCK còn một phần chịu tác động tâm lý khi các cơ quan chức năng tăng cường xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực liên quan đến TTCK.
Lừa đảo trên các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư ngày càng tinh vi, phức tạp Bảo đảm ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán Nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân và tiếp tục quan sát thị trường

Xử lý để minh bạch hóa thị trường vốn

Nhằm thanh lọc và xử lý nghiêm các sai phạm trên TTCK cũng như việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thời gian qua hàng loạt lệnh xử phạt hành chính, thậm chí khởi tố, bắt tạm giam một lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã được tiến hành.

Nhiều vụ thao túng TTCK đã được đưa ra ánh sáng. Nhìn về dài hạn, sự mạnh tay của cơ quan chức năng được đánh giá là tín hiệu tích cực làm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Vì một thị trường chứng khoán phát triển bền vững: Tăng “tiền phòng - hậu kiểm”
Thanh lọc để minh bạch hóa thị trường sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn.

Việc kiên quyết xử lý các sai phạm có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, khiến thị trường tăng trưởng chậm lại, nhưng là biện pháp để thị trường phát triển lành mạnh, xứng đáng là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc cơ quan chức năng mạnh tay "thanh lọc" các hành vi không lành mạnh, sai phạm trên các TTCK, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp như vụ liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh… sẽ làm thị trường minh bạch hơn, góp phần đưa dòng vốn trong và ngoài nước sớm quay trở lại thị trường mạnh mẽ hơn.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 29/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thời gian qua đã chủ động và thường xuyên yêu cầu hai sở giao dịch chứng khoán là HOSE và HNX tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động giao dịch. Đặc biệt, hai sở đã tăng cường giám sát đối với các cổ phiếu của những tổ chức niêm yết có kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu lại tăng phiên liên tiếp; các giao dịch có khối lượng lớn. Với các trường hợp có dấu hiệu bất thường, UBCKNN đã tổ chức kiểm tra, chủ động và chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, tại hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn thị trường tài chính tiền tệ, không để xảy ra các vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu và đến việc phát triển kinh tế đất nước. Thủ tướng lưu ý những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Tiếp tục giám sát và “thanh lọc”

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã nêu rõ các giải pháp mà Bộ Tài Chính sẽ triển khai thời gian tới. Đó là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tổ chức điều hành thị trường. Đối với thị trường cổ phiếu, tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển theo hướng bền vững, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Bộ Tài chính sẽ rà soát ngay những quy định pháp luật trong Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và rất sớm sẽ báo cáo Chính phủ để sửa đổi quy định của Nghị định 153 về phát hành trái phiếu nghiệp doanh riêng lẻ, bảo đảm những quy định pháp luật về TTCK và trái phiếu phù hợp với điều kiện và yêu cầu điều tiết của thị trường, tránh việc doanh nghiệp, nhóm nhà đầu tư thu lợi nhuận phi pháp.

Bỏ qua những tiêu cực liên quan đến TTCK thời gian qua, nhìn đại cục, với triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam và của các doanh nghiệp niêm yết, thị trường luôn vượt qua khó khăn để tăng lên những mức cao mới. Những động thái chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng là rất cần thiết để lành mạnh hoá thị trường trong dài hạn, hướng tới thông lệ chung của những nước phát triển. Với các yếu tố nền tảng tốt, về lâu dài TTCK vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó, sẽ triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột. Đó là tăng cường chất lượng của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; tăng cơ sở các nhà đầu tư; tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại thị trường.

Đối với các tổ chức trung gian, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; công ty kiểm toán độc lập, công ty định mức tín nhiệm. Khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và thị trường.

Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả công tác giám sát từ 3 cấp, đó là Công ty chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tăng tần suất giám sát thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả giám sát, cưỡng chế thực thi; kịp thời phát hiện và cưỡng chế rủi ro trên TTCK.

Đồng thời tăng cường phối hợp công tác giữa các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trong công tác điều hành, quản lý giám sát TTCK, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng, bảo hiểm, bảo đảm công khai minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính; qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Phối hợp cùng các cơ quan thông tấn báo chí, kịp thời đưa các thông tin chính thống về phát triển thị trường, tình hình doanh nghiệp… giúp thị trường được minh bạch, chính xác. Trên cơ sở đó, đấu tranh với những tin đồn thất thiệt nhằm trục lợi của các tổ chức, cá nhân.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thời gian tới, Bộ sẽ thanh kiểm tra các công ty đại chúng và công ty không đại chúng khi huy động vốn; tăng cường giám sát hiện tượng thao túng và làm giá nhằm phát triển TTCK theo hướng an toàn, công khai và minh bạch. Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm, đặc biệt sai phạm về công bố thông tin, sai phạm về sử dụng vốn; sai phạm về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đồng thời trực tiếp kiểm tra, kiểm toán báo cáo tài chính tại các đơn vị phát hành doanh nghiệp và cả các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra những sai sót trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của những doanh nghiệp phát hành trái phiếu./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này