Truyền thông tự hào và khát vọng phát triển đất nước

16:54 | 04/05/2022
(LĐTĐ) Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế. Thế và lực của đất nước ngày nay đã lớn mạnh rất nhiều so với thời kì trước giải phóng miền Nam.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng Giữ lửa truyền thống Thanh niên xung phong Những người lưu giữ giá trị lịch sử

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ định hướng phát triển của đất nước, đó là: “Phấn đấu đến năm 2030 trở thành một nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phấn đấu trở thành một nước có thu nhập cao”.

Mục tiêu phấn đấu đã rõ ràng, vấn đề là chúng ta phải tận dụng lợi thế, thời cơ, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc để phát triển kinh tế đất nước một cách nhanh và bền vững. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, trắc trở, nhất là trong điều kiện chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều biến động khôn lường. Ba nhiệm vụ quan trọng nhất luôn xuyên suốt mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định để đưa đất nước phát triển đó là “phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước”.

Về vấn đề thể chế kinh tế, cần quan tâm đến sự phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước ở Việt Nam, đảm bảo các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong sản xuất kinh doanh được cạnh tranh một cách bình đẳng, lành mạnh, công khai và minh bạch, không phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức kinh doanh đều hoạt động theo pháp luật hiện hành.

Không có những hiện tượng chèn ép nhau, xóa bỏ các nhóm lợi ích xấu làm méo mó cạnh tranh, hạn chế động lực phấn đấu, ý chí vươn lên của những lực lượng tiên tiến, tiến bộ, quyết tâm đi theo con đường phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam và thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm ở thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Về cơ sở hạ tầng, đối với hạ tầng cứng bao gồm hệ thống giao thông vận tải, logistic, hệ thống kho bãi, cơ sở vật chất kĩ thuật, ở các doanh nghiệp phải được quan tâm một cách đồng bộ và phục vụ hiệu quả cho nền kinh tế của quốc gia. Hệ thống cơ sở vật chất thiết yếu và quan trọng nhất của nền kinh tế như bến cảng, sân bay, đường cao tốc, các dự án năng lượng quốc gia cần phải được đầu tư mạnh mẽ, sớm đem lại hiệu quả cho toàn xã hội. Làm được những vấn đề này sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Về hạ tầng mềm, cần đầu tư cho khoa học công nghệ, thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ để xây dựng một chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và doanh nghiệp số trong thời đại công nghệ 4.0 nhằm đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm của sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phát triển hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, coi vấn đề bảo vệ môi trường trong sự phát triển là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Về nguồn nhân lực của đất nước, chúng ta đều biết dù thiết bị máy móc, công nghệ có tiên tiến đến đâu thì vai trò của con người vẫn là quan trọng nhất. Bởi chính họ là những nhân tố khởi nguồn đem lại những tư duy đổi mới và sáng tạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc được giao. Người lao động được tự do phát huy tối đa năng lực phát triển của mình trong lao động, bình đẳng trong sự phát triển chung và được đãi ngộ thỏa đáng theo công sức đã bỏ ra và cống hiến cho xã hội. Không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển.

Ngoài 3 vấn đề chính nêu ở trên thì kỷ cương pháp luật xã hội phải luôn được đề cao, mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, khen thưởng kịp thời, thỏa đáng đối với các đơn vị làm ăn nghiêm túc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật sản xuất kinh doanh. Qua mỗi thời kì phát triển, cần phải có những bước sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, nghiêm túc và cầu thị để học tập kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ luôn hằng mong muốn.

Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4 năm nay cũng là dịp để mọi người, mọi tổ chức, doanh nghiệp... soi xét lại mình thời gian qua đã đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước, để thời gian tới tự hoàn thiện mình để vượt qua mọi khó khăn trở ngại ở phía trước, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của cha anh đi trước, quyết tâm góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong những năm tới.

Cuối cùng chúng ta luôn tâm niệm rằng để những dịp kỉ niệm quan trọng này có ý nghĩa thiết thực nhất chính là: Mỗi con người, mỗi tổ chức phải luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, hạnh phúc cho nhân dân và sự trường tồn mãi mãi của đất nước mang hình chữ S thân yêu.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này