Đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên "chợ mạng"?

16:31 | 04/05/2022
(LĐTĐ) Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) những năm gần đây, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên các nền tảng bán hàng trực tuyến ngày càng gia tăng và phức tạp. Đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên "chợ mạng"?
Yêu cầu gỡ bỏ hơn 13.7 ngàn sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 vi phạm trên các sàn thương mại điện tử Không để hàng giả lộng hành dịp cuối năm! Quy định mới về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng giáo viên

Thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào cả các nền tảng bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok lẫn các sàn thương mại điện tử uy tín. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường TMĐT những năm gần đây, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên các nền tảng bán hàng trực tuyến ngày càng gia tăng và phức tạp.

Theo Sách trắng của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chính là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Khảo sát cho thấy hơn 70% người được hỏi cho biết họ lo lắng về vấn đề này.

Thống kê của Bộ Công Thương, cho thấy chỉ trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng TMĐT điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng.

Đâu là giải pháp căn cơ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên "chợ mạng"?
Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử".

Một thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 50% khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Trước thực trạng này, người tiêu dùng đang ngày càng mất niềm tin vào cả các nền tảng bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok lẫn các sàn thương mại điện tử uy tín. Bên cạnh đó, hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính. Chính vì vậy, việc đấu tranh với hàng gian, hàng giả không phải là câu chuyện đơn giản, nhất là khi vấn nạn này có nhiều yếu tố trở nên nghiêm trọng hơn do kinh doanh trực tuyến bùng nổ và những khó khăn trong phát hiện, cũng như chế tài xử lý hàng giả trên TMĐT.

Tại Đối thoại chuyên đề: "Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT" sáng 4/5, ông Vũ Anh – Giám đốc chiến lược sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò cho rằng, các sàn TMĐT hiện tại cũng đang cố mở rộng người bán trên sàn của mình cho nên khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa cũng chưa được chặt chẽ. Chính vì vậy, các hàng hóa đưa lên sàn TMĐT bị trà trộn hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều. Thêm nữa, đối với một số mặt hàng, dù không phải hàng giả, hàng nhái nhưng tiêu chuẩn, chất lượng không đảm bảo. Như vậy, người cuối cùng thiệt thòi chính là người tiêu dùng.

Theo ông Vũ Anh, các Bộ, ban, ngành cần đưa ra khung khổ pháp luật làm sao cho phù hợp, cùng với đó là các khung hướng dẫn các sàn TMĐT. "Ví dụ như Vỏ Sò chúng tôi, việc đầu tiên khi các đối tác lên sàn bán hàng phải công khai mã số thuế, thông tin của doanh nghiệp phải đầy đủ, thêm nữa là phải xác minh căn cước công dân của chủ hàng. Đối với tiêu chuẩn hàng hóa, các sàn TMĐT cũng nên phối hợp với các đơn vị làm truy suất nguồn gốc hoặc tiêu chuẩn chất lượng để làm sao hàng hóa được xác minh đúng tiêu chuẩn. Bằng các việc làm trên, tuy rằng chưa thể cải thiện được 100% hàng giả, hàng nhái trên sàn của chúng tôi, nhưng sẽ là hình thức làm giảm bớt, và tiến tới xóa bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên các sàn TMĐT”, ông Vũ Anh cho biết.

Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, bên cạnh sự phát triển rất tích cực của TMĐT như tạo việc làm, sản xuất kinh doanh, phân phối sản phẩm… thì đi kèm với đó là mặt trái của nó. Mặt trái rõ nét nhất là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, rất nhức nhối. Những vấn đề này đã làm xấu môi trường kinh doanh, làm méo mó môi trường cạnh tranh...

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương),TMĐT trước kia chỉ bán hàng trên website của doanh nghiệp, cao hơn một chút là các sàn TMĐT, rồi sau đó là mạng xã hội,… nhưng đó cũng chỉ là những bước đầu của kinh tế số. Khái niệm gần đây nhất theo các tổ chức quốc tế thì chúng ta chuyển sang một mô hình mới không chỉ có bán hàng trên các nền tảng trực tuyến mà còn qua các nền tảng trung gian trực tuyến, tức là các đơn vị cung cấp dịch vụ mà Việt Nam đang dần dần áp dụng.

Trước tình hình đó, rõ ràng công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu của các cơ quan chức năng càng khó khăn. Việc đấu tranh này không chỉ nằm ở các cơ quan chức năng mà còn phải có sự phối hợp của các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như người sản xuất và cả người tiêu dùng. Như vậy hiệu quả mới đạt được tốt hơn.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này