Đánh thức tiềm năng sông Hồng

09:40 | 03/05/2022
(LĐTĐ) Hầu hết các đô thị lớn, nhỏ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều có một dòng sông chảy qua hoặc nằm cạnh một dòng sông. Tùy thuộc vào yếu tố dòng chảy, địa chất, địa mạo… con người tiến hành sinh sống, xây dựng hệ sinh thái đô thị hai bên bờ sông thế nào để vừa an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu trị thủy.
Cơ hội vươn lên tầm cao mới Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng Hà Nội chính thức quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đi qua 13 quận, huyện
Đánh thức tiềm năng sông Hồng
Dư địa chí về đất đai ven sông để phát triển kinh tế còn rất lớn.

Sông Hồng bắt đầu từ Lào Cai chảy qua các địa phương Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình rồi đổ ra biển Đông. Với chiều dài gần 1.150 km, sông Hồng không có chỉ có vai trò quan trọng đối với lĩnh vực vận tải đường sông mà còn có vai trò đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp...

So với các dòng sông lớn khác ở nước ta như sông Đuống, sông Đà, sông Thái Bình, sông Mã, sông Hương, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Cửu Long, sông Hồng được cho là con sông “dữ” nhất. Chính vì thế, công tác trị thủy luôn được tổ tiên cũng như các cấp chính quyền sở tại đặt lên hàng đầu.

Và thực tế, trải qua hàng nghìn năm với những biến thiên của lịch sử, dẫu trải qua biết bao trận lũ lụt, kinh thành Thăng Long, Hà Nội và những địa phương nơi dòng sông đi qua vẫn bình yên, trường tồn như ngày hôm nay.

Những ngày mùa Thu bình yên, thậm chí trong cả những ngày dông bão, đi qua sông Hồng các đoạn chảy qua địa phận Hà Nội, Hưng Yên… chúng ta thấy bát ngàn màu xanh cây lá bởi thổ nhưỡng bãi bồi ven sông để lại. Nhằm khai thác tối đa lợi thế hai bên bờ sông Hồng, vừa qua UBND thành phố Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Phân khu quy hoạch có diện tích khoảng gần 11.000ha, trong đó, sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá...

Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người. Tương tự, một số địa phương như Hưng Yên cũng đang tiến hành quy hoạch để khai thác tối đa lợi thế đất ven sông cho mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số địa phương, trong quá trình lập quy hoạch, nói đúng hơn chưa thể triển khai vì bởi quy định liên quan đến vấn đề thoát lũ. Nếu chiếu theo quy định hiện tại, hầu hết đất ven sông đều phục vụ công tác thoát lũ, trong khi thực tế suốt những năm qua, thậm chí những năm được cho là cao điểm, nước sông lên cao, đỉnh lũ chạm mốc lịch sử những năm cao nhất… hệ thống bãi ven sông và các xóm làng ven sông vẫn bình yên.

Vì thế, để trị thủy một cách khoa học, đáp ứng tối đa các yếu tố liên quan đến an toàn phòng, chống bão, lũ, đồng thời vẫn góp phần khai thác quỹ đất ven sông để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, lãnh đạo một địa phương nơi có sông Hồng chảy qua cho rằng, điều cần và đủ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành quy định mới liên quan đến thoát lũ ở hệ thống sông Hồng.

Quy định rõ ràng, chi tiết quỹ đất nào, vị trí nào thuộc diện để thoát thoát lũ, qũy đất nào, vị trí nào được phép quy hoạch để phát triển kinh tế. Có như thế, địa phương mới có căn cứ tiến hành quy hoạch để khai thác tối đa lợi thế cho mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành soạn thảo để tham mưu Chính phủ về quy định liên quan đến thoát lũ. Hy vọng, quy định thoát lũ mới sẽ sớm được ban hành, tạo tiền đề để các địa phương “đánh thức” tiềm năng sông Hồng!

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này