Văn hóa phải là động lực cho phát triển

09:35 | 03/05/2022
(LĐTĐ) PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội là người nhiều năm làm công tác nghiên cứu về văn hóa. Ông đã dành cho phóng viên Lao động Thủ đô cuộc trao đổi về thiết chế văn hóa thể thao tại cơ sở hiện nay của Hà Nội.
Thành phố tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp với thiết chế văn hóa còn thiếu, chậm triển khai Quan tâm các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người lao động tại các khu công nghiệp Khai mạc phiên giải trình về đầu tư, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao

PV: Từ góc nhìn của một người nhiều năm làm công tác nghiên cứu về văn hóa, nhiều năm gắn bó với Thủ đô, ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về các thiết chế văn hóa thể thao tại cơ sở hiện nay của Hà Nội?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Về cơ bản, tôi nhận thấy, Hà Nội đã có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng khá đầy đủ, từ nhà văn hóa, khu thể thao tại các thôn, tổ dân phố, các trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn, tới các trung tâm văn hóa thông tin và thể thao quận, huyện, thị xã, trung tâm văn hóa Thành phố, đến các thiết chế đặc thù như Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội, Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội, hay các thiết chế văn hóa khác thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao...

Văn hóa phải là động lực cho phát triển
PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Đây là hệ thống tương đối toàn diện, giúp tổ chức các hoạt động, các sự kiện văn hóa, văn nghệ gắn với đời sống văn hóa của nhân dân, đã thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt, giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao...

Nhiều thiết chế văn hóa được Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu và nguồn nhân lực. Theo số liệu mà tôi biết, thì đến nay, Thành phố có 30/30 quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao hoặc trung tâm văn hóa - thể thao; có 143 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 2.330 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố, 1.689 điểm sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh cơ sở vật chất thì đội ngũ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa từ cấp quận, huyện, thị xã nhìn chung cũng đáp ứng yêu cầu công việc, trong đó số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 70%, trung cấp chiếm tỉ lệ nhỏ với gần 30%. Đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên cấp xã, phường, thị trấn có trình độ cao đẳng chiếm trên 40%, trình độ trung cấp gần 60%.

Về hình thức, nội dung hoạt động ở một số thiết chế như Trung tâm văn hóa Thành phố, Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội, Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội ngày càng có chiều sâu, chất lượng được nâng cao và phong phú, đa dạng hơn về loại hình.

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, chúng ta thấy còn có một số điểm nghẽn trong việc đầu tư và hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao ở Thủ đô như kinh phí dành cho hoạt động của các thiết chế văn hóa nhìn chung là hạn hẹp; Phân bổ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn dàn trải, chưa tập trung; Diện tích các nhà văn hóa của tổ dân phố ở nội thành đều có diện tích nhỏ, khó triển khai các hoạt động văn hóa quy mô lớn, chuyên nghiệp.

Một số công trình văn hóa được xây dựng đã lâu, đang xuống cấp như Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội, Nhà Văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội... Cán bộ quản lý các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thường là các Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm, không chuyên trách, không được đào tạo về lĩnh vực quản lý văn hóa nên các hoạt động chủ yếu mang tính nghiệp dư.

Một số xã vẫn chưa có cán bộ chuyên trách hoặc cán bộ phụ trách phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, chế độ chính sách hạn chế đã không tạo được cho cán bộ văn hóa cơ sở an tâm công tác, gắn bó lâu dài với nhiệm vụ, với ngành. Hầu hết các xã đều đã có quy hoạch xây dựng Trung tâm văn hóa xã tuy nhiên còn nhiều vướng mắc như: Chưa có quỹ đất, chưa giải phóng được mặt bằng hay chưa có kinh phí nên chưa tiến hành việc xây dựng.

Đối với nhà văn hóa xã, phường, có tới một nửa không đảm bảo diện tích theo tiêu chí được quy định trong Thông tư 11 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tổng diện tích quy hoạch tối thiểu phải đạt 2.500m. Các thiết chế văn hóa cấp quận, huyện, thị xã đều dựa chủ yếu vào nguồn đầu tư của Nhà nước, các hoạt động tạo nguồn thu tại chỗ vẫn còn rất hạn chế.

Giải quyết được những điểm nghẽn này sẽ giúp cho các thiết chế văn hóa, thể thao của Hà Nội thực sự đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra môi trường, điều kiện cho sự phát triển văn hóa, con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

PV: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để khắc phục các bất cập hiện nay, một trong các giải pháp Hà Nội đặt ra là tiếp tục kêu gọi, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tại cơ sở. Ông có cho rằng, Hà Nội cần có cơ chế đặc thù để kêu gọi xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa không?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đánh giá rất cao nỗ lực gần đây của Hà Nội cho phát triển văn hóa, trong đó có việc tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố vừa qua. Điều này sẽ giúp cho văn hóa Thủ đô thực sự là sự kết tinh, tỏa sáng, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của cả nước.

Mặc dù vậy, đây là công việc hết sức khó khăn. Ngay trong các nghị quyết gần đây của Đảng, chúng ta luôn nhấn mạnh rằng, xây dựng và phát triển văn hóa là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Chính vì thế, tôi cũng nghĩ rằng đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nói chung, trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nói riêng phải được xem là một giải pháp có ý nghĩa.

Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nguồn lực xã hội hết sức dồi dào. Bên cạnh đó, nhu cầu và mong muốn của nhân dân đóng góp vào các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng cũng rất lớn.

Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, người dân có thể tham gia đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao. Điều này đem lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan.

Về cơ sở pháp lý, chúng ta đã có Nghị quyết 90 năm 1997, Nghị định 69 năm 2008 và Nghị định 59 năm 2014 của Chính phủ, nên việc Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành các nghị quyết riêng về cơ chế đặc Thù cho vấn đề này, đặc biệt liên quan đến các hỗ trợ về đất đai, tài chính hay địa vị pháp lý của các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động xã hội hóa này, sẽ giúp củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng việc huy động nguồn lực cho thiết chế văn hóa, thể thao ở Hà Nội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Thảo (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này