Nỗ lực khơi dòng di sản văn hóa xứ Đoài

17:36 | 05/05/2022
(LĐTĐ) Xứ Đoài là danh xưng chỉ một không gian tương đối rộng lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long, là cái nôi của nền văn minh Việt cổ. Nằm trong vùng “lõi” xứ Đoài, thị xã Sơn Tây từ lâu được biết đến là đô thị lâu đời, trung tâm của văn hóa xứ Đoài, có bề dày truyền thống lịch sử, có vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng... Việc làm sao để phát huy những giá trị văn hóa xứ Đoài thành những sản phẩm cụ thể, từ đó gìn giữ, bảo tồn, nhân rộng, phát triển mạnh mẽ ngành kinh tế du lịch là yêu cầu cấp bách đặt ra thời điểm hiện tại.
Sơn Tây chính thức khởi động Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài Sơn Tây khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài vào dịp 30/4

Khơi nguồn lực từ di sản

Thị xã Sơn Tây là đô thị lâu đời, trung tâm của văn hóa xứ Đoài. Qua biến thiên của thời gian, sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính song những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất cổ Sơn Tây không có nhiều thay đổi. Theo thống kê, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có hàng trăm di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng và hàng trăm ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều di tích mà tên gọi của nó gắn liền với tên đất, tên người Sơn Tây như: Làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, đền và lăng Ngô Quyền, đền Phùng Hưng, đình Mông Phụ, Thành cổ Sơn Tây, đền Và… Hệ thống cổ vật, di vật, thư tịch bên trong các di tích cũng rất đa dạng, phong phú, còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn, là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tham quan, tìm hiểu của du khách gần xa.

Nỗ lực khơi dòng di sản văn hóa xứ Đoài
Sơn Tây hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử lâu đời, mang nét đặc trưng của xứ Đoài. Ảnh: Giang Nam

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, xứ Đoài là bức tranh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam, nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có, không thấy ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, trong không gian văn hóa xứ Đoài lại chưa có điều kiện được khai thác.

Chung quan điểm này, đồng thời chỉ ra trên mảnh đất xứ Đoài còn tiềm năng lễ hội dân gian chưa được khai thác hết, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, khai thác tiềm năng của lễ hội nói chung, lễ hội dân gian xứ Đoài nói riêng cùng tất cả những gì liên quan đến nó, là một công việc đặt ra có tính cấp thiết cho Sơn Tây nói riêng và Hà Nội nói chung. Làm sao để biến những di sản văn hoá thành những sản phẩm cao cấp của nền kinh tế mềm là việc cần được chính quyền địa phương có một quy hoạch chiến lược càng sớm càng tốt trước khi đô thị hoá, công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế đang gõ cửa từng giây từng phút đối với thành phố vệ tinh Sơn Tây của Thủ đô ngàn năm văn hiến và đặc biệt là của một xứ Đoài với bản sắc riêng của núi Tản sông Đà.

Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn Hóa nhận định: Những năm qua, các cấp chính quyền thị xã Sơn Tây đã rất chú trọng đến công tác quản lý di tích và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của địa phương. Công tác giáo dục, tuyên truyền các văn bản của Nhà nước về lễ hội và công tác quản lý di tích, lễ hội luôn được thị xã quan tâm.

“Tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc thị xã Sơn Tây tổ chức phố đi bộ tại khu vực di tích Thành cổ. Thời gian gần đây việc tổ chức các khu vực đi bộ kết hợp với chợ đêm tại nhiều địa phương đã và đang thu được những kết quả rất đáng khích lệ, thiết thực góp phần vào việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế xã hội.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc... văn hóa còn thì dân tộc còn”; Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Các chủ trương, quan điểm của Đảng, Thành phố đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước và Thủ đô. Quán triệt theo tinh thần này, thời gian qua Sơn Tây luôn chú trọng thực hiện và nỗ lực xây dựng, phát triển văn hóa.

Theo tôi, bên cạnh những nỗ lực rất đáng khích lệ như đã nói trên, cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết hợp các hoạt động và hình thức văn hóa du lịch. Thành cổ Sơn Tây cùng với Đền Và, chùa Mía, Văn Miếu Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm... là những điểm đến du lịch tâm linh ngưng đọng những giá trị đặc sắc của văn hóa xứ Đoài nói chung và các di sản văn hóa phi vật thể và vật thể của thị xã Sơn Tây cần được chú trọng khai thác trong các tour du lịch vùng phụ cận Hà Nội”, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình nhấn mạnh.

Phát huy giá trị

Để khơi nguồn lực từ di sản văn hóa xứ Đoài, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề xuất: Để có thể biến văn hoá thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc. Điều này cần được quán triệt sâu sắc từ lãnh đạo đến toàn dân và cần tới một chiến lược lâu dài và toàn diện.

Để có thể bắt đầu ngay với những dự án cụ thể, trước hết cần tập trung xây dựng điểm nhấn nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa xứ Đoài. Đó chính là thị xã Sơn Tây. Trong công việc này, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thành cổ Sơn Tây phải là một nội dung quan trọng.

“Việc tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa không còn chỉ là câu chuyện của ngành văn hóa mà là sự nghiệp lớn có tầm chiến lược, đòi hỏi sự đổi mới căn bản, toàn diện và sâu sắc nhận thức về văn hóa. Văn hóa cần được đối xử ngang bằng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quan trọng hơn là phải có giải pháp để khai thác các di sản văn hóa như một nguồn tài nguyên vô giá và vô tận. Để làm tốt việc này cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa ba nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ.

Ở câu chuyện này, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý đề xuất cần tập trung đầu tư cho giáo dục di sản, với các giải pháp: Nghiên cứu, nhận dạng, tư liệu hóa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể có liên quan đến Thành cổ, Văn Miếu Sơn Tây, từ đó xây dựng các kế hoạch hoạt động phát huy giá trị; nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ nghiên cứu, quản lý di sản cũng như cộng đồng tham gia việc thực hành, giới thiệu di sản; xây dựng mạng lưới hợp tác nhằm tăng cường sức mạnh trong nghiên cứu và tổ chức các hoạt động; xây dựng một số chương trình thí điểm giáo dục di sản dựa trên các giá trị không gian văn hóa của Thành cổ, Văn Miếu Sơn Tây…

Rõ ràng, việc khơi dòng di sản văn hóa xứ Đoài để hội nhập và phát triển đã được thị xã Sơn Tây chú trọng triển khai và hướng đến. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài hơi, đòi hỏi những bước đi có lộ trình và bài bản. /.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này