Thúc đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

17:36 | 05/05/2022
(LĐTĐ) Với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày nay nhiều người dần rời xa thói quen đọc sách, bên cạnh đó, phương thức tiếp cận với sách cũng thay đổi, không chỉ đọc sách giấy truyền thống, bạn đọc có thể tiếp cận với sách điện tử. Trước những ảnh hưởng đó, để văn hóa đọc được tiếp tục lan tỏa, tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ đòi hòi cần có những cách làm linh hoạt, sáng tạo.
Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số Phát huy vai trò phụ nữ trên lĩnh vực đối ngoại trong kỷ nguyên số

Đánh giá về tiềm năng phát triển văn hóa đọc, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á với năng lực sản xuất của ngành xuất bản cao tuy nhiên tỉ lệ đọc sách chưa cao như kỳ vọng. Theo một khảo sát có khoảng trên 20% bạn đọc thường xuyên đến với sách, đây là thị trường tiềm năng, tuy nhiên hơn 80% bạn đọc chưa quan tâm đến sách, đó cũng là thách thức phải làm sao để thu hút bạn đọc đến với sách.

Thúc đẩy văn hóa đọc trong kỷ nguyên số
Học sinh tìm kiếm sách qua mô hình thư viện số. Ảnh: N.Hoa

Cùng chung quan điểm, Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Hiện nay văn hóa đọc ở nước ta rất tốt, tất cả những tinh hoa của văn hóa thế giới đều được các nhà xuất bản dịch, xuất bản sách. Tiềm năng đọc sách ở nước ta rất lớn, vấn đề đặt ra phải làm sao để đánh thức niềm yêu thích đọc sách trong nhân dân. Nước ta đã có Ngày sách Việt Nam nhưng để đưa sách vào đời sống đòi hỏi sự chung tay của toàn dân, phải đưa Ngày sách trở thành Ngày hội của toàn dân chứ không phải chỉ là phong trào. Để thúc đẩy văn hóa đọc, phải có sự kết hợp giữa bạn đọc và người viết sách, đối với người sáng tác phải xuất bản những cuốn sách hay, thu hút người đọc. Hiện nay điều đáng lo ngại nhất là đối tượng cần đọc sách nhất lại không có điều kiện để đọc, đó là các quan chức, học sinh, sinh viên”.

Bên cạnh đó khi bàn về vấn đề này, các chuyên gia đều cho rằng cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ. Ông bà, cha mẹ chính là những người gần gũi với con, cháu, phải là người dẫn dắt, hình thành cho con trẻ những lối sống, thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.

Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của bạn đọc, các nhà xuất bản và công ty sách cần phải có sự chuyển động mạnh mẽ và toàn diện trong hoạt động xuất bản và kinh doanh của mình. Đặc biệt cần chú trọng, quan tâm công tác thị trường và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, đẩy lùi sách giả, sách lậu, phát hành những tác phẩm có giá trị, mang thông điệp tích cực, giàu tính nhân văn, để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển của đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Với sự bùng nổ của công nghệ như hiện nay, giới trẻ ngày nay dễ dàng bị hấp dẫn bởi các trang mạng xã hội. Bởi vậy thay vì ép đọc, các nhà xuất bản cần thay đổi cách thức, nội dung như tận dụng sức hút của công nghệ nghe, nhìn để lôi kéo độc giả, để họ có niềm vui thực sự khi đọc sách.

Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang hình thành xu hướng đọc sách mới, mô hình thư viện số đang dần thay thế thư viện truyền thống. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, người dùng có thể đọc sách ở bất cứ đâu và dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần chứ không nhất thiết phải đến thư viện truyền thống. Do vậy, những giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, khám phá các tác phẩm sách nói, sách điện tử trên nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, kỹ năng sống… rất cần được phát triển. Đây cũng là xu thế bắt buộc để tạo động lực thúc đẩy ngành xuất bản phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đại Chính (Chủ tịch Hội Liên hiệp Thư viện miền Đông Nam Bộ) cho biết, truyền thống đọc sách giấy đã tạo thói quen trong văn hóa đọc, tuy nhiên chúng ta đã bắt gặp hình ảnh cụ già sử dụng smartphone để đọc tin tức, chính hình ảnh này đặt ra cho ngành in ấn - xuất bản, thư viện, rộng hơn là lĩnh vực thông tin hướng đi mới.

“Chúng ta đề cao việc đọc sách, tuy nhiên cần phát triển hệ sinh thái công nghệ, ví dụ sách nói. Từ đây, ngành xuất bản có vai trò và chỗ đứng hơn trong nền kinh tế tri thức. Tôi nghĩ rộng hơn, đây là nền kinh tế tuần hoàn và chia sẻ thông qua công nghệ, chúng ta sẽ không gặp cản trở về giờ giấc hành chính. Chúng ta cần làm tốt hiện tại và làm mới thói quen của người đọc với sự kết hợp của công nghệ”, ông Chính chia sẻ.

Trên thực tế, thời gian gần đây, sách nói là một trong các loại hình xuất bản điện tử được ưa chuộng. Ở Việt Nam, lượt tìm kiếm về sách nói cao thể hiện nhu cầu của người dùng. Điển hình ứng dụng sách nói Voiz FM ra mắt từ cuối năm 2019, đến nay Voiz FM hiện có hơn 1.000.000 lượt tải, với khoảng 100.000 người dùng tích cực mỗi tháng. Năm 2021, ứng dụng này đã đạt mốc tăng trưởng gấp 50 lần, với kho nội dung được cho là có số lượng phong phú hàng đầu hiện nay với gần 2.000 nội dung chất lượng cao, có bản quyền.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đi cùng sách nói cũng sẽ đòi hỏi nhiều thử thách bởi đội ngũ sản xuất chưa đủ mạnh mẽ, hành lang pháp lý, đặc biệt là vấn đề là bảo vệ bản quyền, thủ tục, vấn đề đầu tư còn hạn chế. Trước những thử thách đó các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức, bắt đầu từ các bạn trẻ có niềm đam mê và yêu sách, tiếp đến là phát triển nhân lực để thay đổi diện mạo./.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này