Tài sản đảm bảo là một yếu tố then chốt để nhà đầu tư trái phiếu đặt niềm tin

17:16 | 01/05/2022
(LĐTĐ) Đối với những thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) non trẻ như tại Việt Nam, tài sản đảm bảo khá quan trọng, là một yếu tố then chốt để cho nhà đầu tư có niềm tin hơn. Không ít nhà đầu tư trái phiếu lo lắng về trạng thái pháp lý của bất động sản khi đây là tài sản đảm bảo phổ biến trên thị trường TPDN.
Dùng giấy đăng ký xe sang lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng GPBank Người từ 15 tuổi được sử dụng thẻ ghi nợ, không cần tài sản đảm bảo Vay không tài sản đảm bảo tại NCB

Liệu dòng tiền có quay trở về trái chủ?

Tại toạ đàm “Chấn chỉnh thị trường TPDN - Gạn đục khơi trong”, ông Khổng Phan Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên VietinBank Capital cho rằng, có xếp hạng tín nhiệm sẽ là một “chỉ báo” tốt giúp nhà đầu tư lựa chọn “khẩu vị” đầu tư cho phù hợp. Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm không đảm bảo rằng trái phiếu đi đến tận cuối con đường, tức hoàn trả được vốn trả lại cho nhà đầu tư, mà chỉ giúp nhà đầu tư nhận thức được tại thời điểm phát hành, định mức tín nhiệm của dự án hoặc của doanh nghiệp đang ở mức độ nào. Tuy nhiên, câu chuyện tài sản đảm bảo lại khá phức tạp.

Ông Đức phân tích, tài sản đảm bảo trong phát hành trái phiếu ở Việt Nam thường sử dụng cổ phiếu. Ở chừng mực nào đó, không khác gì hoạt động cho vay margin (giao dịch ký quỹ) nhân rộng, tức giá trị phát hành trái phiếu giá trị 1.000 tỷ và tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu, lấy giá trung bình của 20 phiên liên tục, tính ra giá trị cổ phiếu làm tài sản đảm bảo với giá trị 2.000 tỷ, tức tỷ lệ chiết khấu 50%, bao phủ cho khoản nợ phát hành trái phiếu 200%.

Tài sản đảm bảo là một yếu tố then chốt để nhà đầu tư trái phiếu đặt niềm tin
Tài sản đảm bảo phổ biến ở trên thị trường trái phiếu là bất động sản (Ảnh minh họa: BT)

Điều này giống như hoạt động cho vay margin và rủi ro cũng không khác gì cho vay margin. Giả sử doanh nghiệp có vấn đề, có bán được cổ phiếu hay không, còn là một vấn đề. Bởi vì cổ phiếu chỉ là một loại hình phản ánh giá trị doanh nghiệp. Khi thị trường chấp nhận, giá vẫn còn thì còn bán được để có dòng tiền quay lại trả nợ cho trái chủ.

Ông Đức đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư. Nếu số lượng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng cổ phiếu phát hành của doanh nghiệp, tương ứng 5, 10, 20%, khi xử lý tài sản đảm bảo, không đồng nghĩa xử lý cả doanh nghiệp đó, mà chỉ xử lý ở một góc rất nhỏ của doanh nghiệp và rất khó trong tìm kiếm được người số cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo phổ biến ở trên thị trường trái phiếu Việt Nam là bất động sản, như vậy cũng khó để trả lời liệu dòng tiền có quay trở về trả lại trái chủ hay không. Cụ thể, nhà đầu tư phải đặt câu hỏi hiện trạng pháp lý của dự án bất động sản như thế nào, được giao chủ đầu tư chưa, có quyết định 1/500 chưa? Nộp tiền chuyển đổi sử dụng đất hay chưa? Có sổ đỏ dự án hay chưa? Tài sản đảm bảo là sổ đỏ dự án, quyền phát triển dự án hay quyền tài sản dự án?

Vừa qua, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo siết chặt hoạt động của các đơn vị thứ ba trong quá trình phát hành trái phiếu, trong đó có các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá. Vì vậy, trái chủ cần phải lưu tâm xem giá trị thẩm định giá có phù hợp hay không. Nếu như không có tài sản đảm bảo, phải có định mức tín nhiệm, còn nếu có tài sản đảm bảo thì việc xếp hạng có thể giảm nhẹ được. Tuy nhiên, phát hành trái phiếu ra công chúng hay những lần phát hành riêng lẻ quy mô lớn, cần phải có xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư mong muốn với khoản đầu tư vài trăm triệu USD, cần có một bên thứ ba để thẩm định, đánh giá.

Giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành

Thời gian qua, để ổn định thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành Tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN. Theo đó, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện ngay các biện pháp như bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước. Ai cố tình vi phạm thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để xem xét các trường hợp vi phạm.

Mới đây nhất, ngày 3/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của 03 công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng trị giá 10.030 tỷ.

Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo Ủy ban chứng khoán nhà nước tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán TPDN để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi sai phạm; trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Ngày 25/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN riêng lẻ.

Việc xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển thị trường chứng khoán, thị trường TPDN của cơ quan quản lý.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này