Tháng Công nhân và những ước mong của người lao động

08:55 | 01/05/2022
(LĐTĐ) Tháng Công nhân - tháng cao điểm để các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo cho người lao động và đây cũng là dịp để người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ước mong của mình về đời sống, việc làm, môi trường làm việc…
Chung tay chăm lo đời sống, việc làm, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động Tạo sự lan tỏa qua các hoạt động trong Tháng Công nhân Chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, bỏ dở giấc mơ ngồi trên ghế giảng đường Đại học, chị Vũ Thị Hoa quyết định rời quê (Ân Thi, Hưng Yên) lên Hà Nội làm công nhân tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam (khu công nghiệp Thăng Long). Từ đó đến nay, đã hơn 13 năm trôi qua, lúc nào đôi vai nhỏ bé của chị cũng bị đè nặng bởi những nỗi lo toan về cơm, áo, gạo, tiền.

Tháng Công nhân và những ước mong của người lao động
Chị Vũ Thị Hoa cùng con trong căn phòng trọ chỉ khoảng 8m2 (Ảnh: Mai Quý)

Theo lời chị Hoa, mặc dù làm công nhân, thu nhập ổn định nhưng mức lương thấp, nhiều lúc không đủ để trang trải cuộc sống, nhất là khi đã có gia đình. Hiện vợ chồng chị cùng 3 con nhỏ đang thuê ở một khu nhà trọ cấp 4, lợp mái fibro xi măng. Diện tích phòng chỉ khoảng 8m2 nên vợ chồng chị quyết định thuê thêm phòng bên cạnh để có chỗ sinh hoạt.

Thêm phòng là thêm tiền, chưa kể chồng chị là lao động tự do, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Đặc biệt, trong hơn 2 năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, và rồi, từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng leo thang khiến cho cuộc sống của vợ chồng chị càng thêm khó khăn.

Chị Hoa nhẩm tính, tiền thuê phòng trọ, điện, nước, sinh hoạt gia đình, chi phí cho con đi học… tất tần tật cũng hơn chục triệu/tháng. Trong khi, mức lương hiện tại của chị chỉ dao động từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, còn chồng chị, đi làm ngày nào, có lương ngày đấy, cũng chỉ khoảng 300.000 đồng/ngày. “Nhiều lúc, vợ chồng nhịn đói, hoặc chỉ ăn mì tôm cho qua bữa để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt”, chị Hoa tâm sự.

Nói về ước mong của mình, chị Hoa bày tỏ: “Thực sự bây giờ tôi chỉ ước mong chồng mình có việc làm, thu nhập ổn định. Đồng lương công nhân được tăng lên để đảm bảo cuộc sống. Như bản thân tôi, mười mấy năm bán sức lao động mà không có tiền dư dả, tích lũy, đến giờ vẫn phải thuê trọ thì quả thực là rất vất vả”.

Tháng Công nhân và những ước mong của người lao động
Đa phần người lao động mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống (Ảnh: Mai Quý)

Không chỉ ước mong việc làm, thu nhập đảm bảo cuộc sống, nhiều người lao động cũng mong được doanh nghiệp, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để “an cư”, như thế họ sẽ ổn định cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất, cống hiến cho doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thái, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam bày tỏ: “Đa phần công nhân lao động chúng tôi đều mong muốn được ở trong những khu nhà ở dành cho công nhân để được thụ hưởng các tiện ích và quyền lợi dành riêng cho công nhân lao động. Hoặc nếu có thể là được quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ mua nhà ở giá rẻ, trả góp trong thời gian dài. Như thế, chúng tôi sẽ có thêm động lực để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.

Là lao động có con nhỏ trong độ tuổi đi học mầm non, chị Thái cũng mong muốn các trường mầm non linh hoạt giờ trông trẻ phù hợp với giờ làm việc của công nhân. Bởi theo chị Thái, các trường mầm non thường chỉ trông giữ trẻ trong giờ hành chính, trong khi công nhân lao động thường xuyên tăng ca để có thêm thu nhập nên gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian đón con. Về lâu dài, chị Thái mong muốn ở các khu công nghiệp có riêng trường học và có ưu đãi dành cho con công nhân lao động.

Ngoài những mong ước về đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập, nhiều công nhân lao động bày tỏ quan điểm trong quá trình lao động sản xuất phải luôn đặt an toàn lên hàng đầu, có như thế, người lao động mới đảm bảo sức khỏe để làm việc, chăm sóc gia đình. Vì vậy, họ mong muốn doanh nghiệp quan tâm đến việc đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.

Tháng Công nhân và những ước mong của người lao động
Anh Nguyễn Văn Thuy mong muốn doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn (Ảnh Mai Quý)

Anh Nguyễn Văn Thuy, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH máy và thiết bị công nghiệp Lam Uy bày tỏ: “Môi trường làm việc là một trong những yếu tố quyết định năng suất lao động. Tôi mong muốn doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn để người lao động có điều kiện phát huy năng lực, sáng kiến sáng tạo trong quá trình lao động sản xuất. Ngoài ra, người sử dụng lao động và Công đoàn cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho công nhân, như thế sẽ góp phần hạn chế tối đa sự cố tai nạn lao động trong quá trình làm việc”.

Cạnh đó, anh Thuy cũng mong muốn doanh nghiệp quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Đồng thời tạo điều kiện để người lao động tham gia các cuộc trao đổi kinh nghiệm, tham gia các hội thi tay nghề để có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề…

Mỗi người lao động đều có những ước mong riêng nhưng tựu chung lại đó đều là những ước mong rất thiết thực, xuất phát từ chính nhu cầu trong cuộc sống và quá trình làm việc của người lao động. Và hơn hết, tất cả đều mong muốn các cấp, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp lắng nghe, thấu hiểu và có giải pháp, cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài và cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và Thủ đô, đất nước nói chung.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này