Đối thoại xã hội là chìa khóa để tăng cường an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc

16:42 | 30/04/2022
(LĐTĐ) Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, tăng cường đối thoại và hợp tác hiệu quả giữa người sử dụng lao động, người lao động và Chính phủ là cách tốt nhất để thực hiện các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại nơi làm việc.
Hội đồng Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động tổ chức Đối thoại định kỳ năm 2022 Chú trọng bảo vệ nguồn nhân lực - tài sản giá trị nhất của mỗi quốc gia và doanh nghiệp Sáng nay, chính thức phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân năm 2022

Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa người sử dụng lao động, người lao động và các chính phủ là cách tốt nhất để thực hiện các biện pháp an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nhằm đảm bảo sinh mạng trong cuộc khủng hoảng hiện tại cũng như các cuộc khủng hoảng sau này.

Đối thoại xã hội là chìa khóa để tăng cường an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc
Phiên đối thoại của Hội đồng Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động với người sử dụng lao động - người lao động - tổ chức Công đoàn về chế độ, chính sách trong tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động

Báo cáo chỉ ra rằng, bài học rút ra từ những kết quả đạt được trong việc xử lý tình hình đại dịch phức tạp có thể giúp ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và cho thấy vai trò của đối thoại xã hội trong việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các biện pháp ứng phó trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Bằng chứng là, trong thời kỳ đại dịch, những chính phủ ưu tiên sự tham gia chủ động của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp đã có thể xây dựng và thực hiện các luật, chính sách và biện pháp can thiệp khẩn cấp.

Sự hợp tác giữa các bên trong thế giới việc làm là rất cần thiết để đảm bảo rằng các biện pháp đưa ra được người sử dụng lao động và người sử dụng lao động đồng tình và ủng hộ - và như thế, nhiều khả năng các biện pháp đó sẽ được triển khai hiệu quả hơn trong thực tế.

Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết: “Khi thế giới tiếp tục phải đối mặt với những tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 và quá trình phục hồi không đồng đều, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các biện pháp ứng phó của các quốc gia. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng này về tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc tăng cường an toàn và sức khỏe ở cấp quốc gia và nơi làm việc cần được áp dụng trong những lĩnh vực khác. Làm như vậy sẽ giúp giảm số ca bệnh tật và tử vong liên quan tới nghề nghiệp hàng năm - hiện đang ở mức quá cao”.

Chia sẻ tại Đối thoại của Hội đồng Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động với người sử dụng lao động - người lao động - tổ chức Công đoàn về chế độ, chính sách trong tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động diễn ra mới đây, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động.

Theo bà Ingrid Christensen, đối thoại xã hội đề cập đến tất cả loại hình thương thuyết, tham vấn và trao đổi thông tin giữa đại diện người lao động, giới chủ và Chính phủ cũng như các chủ thể liên quan về các vấn đề quan ngại chung.

"Đối thoại xã hội từ lâu đã là một công cụ rất đắc lực và được ghi nhận rõ ràng trong lĩnh vực an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc", Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam khẳng định.

Tại Việt Nam, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 10/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động đã tổ chức đối thoại định kỳ với đại diện người sử dụng lao động, người lao động các năm 2017, 2018, 2019, 2020. Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội đồng đã tổng hợp, gửi và đăng tải các nội dung trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này