Hà Nội: Trước tháng 9/2022, sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

21:22 | 29/04/2022
(LĐTĐ) Để bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022; hoàn thành các mục tiêu bao phủ vắc xin theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế trong giai đoạn 2022-2023.
Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em Hà Nội ghi nhận thêm 978 ca bệnh Covid-19

Ngày 29/4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kế hoạch nhằm bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng cộng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19, trong đó hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022; hoàn thành các mục tiêu bao phủ vắc xin theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế trong giai đoạn 2022-2023.

Hà Nội: Trước tháng 9/2022, sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Hà Nội sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022.

Về kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, UBND Thành phố yêu cầu tất cả các cấp chính quyền xây dựng kịch bản phòng, chống dịch Covid-19; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch của địa phương; có phương án/kế hoạch huy động khả thi các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn… Giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19/1 triệu dân xuống mức thấp nhất theo chỉ tiêu của Bộ Y tế.

Nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cho cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Chú trọng bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai…

Ngoài ra, bảo đảm thông tin, tuyên tuyền phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế - xã hội, hành chính theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.

Về giải pháp, Thành phố yêu các tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong phòng chống dịch Covid-19. Trong đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phòng chống dịch Covid-19.

Tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” theo kịch bản phòng, chống dịch; tăng cường đầu tư từ Thành phố để hỗ trợ và chi viện kịp thời cho các quận, huyện, thị xã khi có dịch bùng phát ở cấp độ cao hơn dự kiến.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch thuộc thẩm quyền quản lý.

Kế hoạch được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022-2023. Trường hợp kết thúc sớm hoặc kéo dài theo chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tế của Thành phố.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này