Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong

18:58 | 29/04/2022
(LĐTĐ) Tình trạng trái phiếu doanh nghiệp “vàng thau lẫn lộn” đến mức cơ quan quản lý phải tiến hành một loạt động thái thanh lọc như vừa qua đã xuất hiện tâm lý bất an cho thị trường này. Sự kiện hủy bỏ 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một cú “thoáng giật mình” cho nhiều đơn vị trung gian như nhà tổ chức phát hành, nhà đầu tư đến những đơn vị thứ 3 tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Lừa đảo trên các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư ngày càng tinh vi, phức tạp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Cân nhắc “chọn mặt gửi vàng”

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường vốn đang có quy mô tương đương 134,5% GDP, gấp 3,5 lần so với 2015. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đạt 14,2% GDP; thậm chí ở một số thống kê khác, con số này được cho là 16,6% GDP. Với sự phát triển ấn tượng như vậy, trái phiếu doanh nghiệp đã giúp ngành ngân hàng giảm bớt áp lực về số dư cho vay cũng như thanh khoản kỳ hạn đối với kênh tín dụng trung dài hạn.

Trước đó, do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quá cao, Ngân hàng Nhà nước buộc phải cho phép sử dụng tới 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong một thời gian rất dài. Và, sau nhiều lần trì hoãn việc giảm tỷ lệ này xuống thì hiện tại theo Thông tư 8/2020 sửa đổi một số điều Thông tư 22/2019, tỷ lệ trên giảm xuống 37% trong giai đoạn 1/10/2021 đến 30/9/2022...

Tuy nhiên, phát triển nóng cũng đồng nghĩa phát sinh nhiều vấn đề mà pháp luật chưa kịp bắt nhịp theo. Cụ thể, một bộ phận nhỏ các doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính kém, không đủ điều kiện về chuẩn mực và giới hạn tiếp cận tín dụng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn. Từ đây, bằng nhiều con đường khác nhau, trái phiếu doanh nghiệp được phân phối đến các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư cá nhân dưới hình thức "hợp đồng hợp tác đầu tư”.

Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong
Tọa đàm "Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong".

Bởi vậy, tình trạng trái phiếu doanh nghiệp có thông tin mù mờ, người đầu tư không phải trái chủ và không nắm được mục đích doanh nghiệp sử dụng tiền của mình để làm gì, đã trở nên nhức nhối, tạo nên tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, đến mức, cơ quan quản lý phải tiến hành một loạt động thái thanh lọc như vừa qua. Nhưng cũng từ đó, tâm lý bất an xuất hiện; nhiều tin nhảm xuất hiện trên thị trường để trục lợi.

Tại tọa đàm trực tuyến: "Thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Gạn đục khơi trong", đánh giá về động thái thanh lọc thị trường trái phiếu trong thời gian vừa quan, ông Khổng Phan Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên VietinBank Capital cho rằng, sự kiện hủy bỏ 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một cú “thoáng giật mình” cho nhiều đơn vị trung gian như nhà tổ chức phát hành, nhà đầu tư đến những đơn vị thứ 3 tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Qua đó, các đơn vị trung gian như các công ty chứng khoán tư vấn phát hành, các đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, đại lý thanh toán, đại lý lưu ký và đại diện trái chủ đều đều phải dừng lại một chút để xem lại quá trình cung cấp dịch vụ của mình và việc đầu tư liệu đã sáng suốt khi đưa ra các dịch vụ hay chưa? Cho đến thời điểm này rõ ràng đối với nhà đầu tư thì “thấm thía” hơn cả vì đã trót đặt lòng tin vào những trái phiếu mà bản thân họ không được rõ lắm. Ông Đức cũng khẳng định, động thái chấn chỉnh đó là cần thiết đối với thị trường.

“Tuy nhiên trước những thông tin gần đây cho rằng doanh nghiệp phát hành yếu kém đã lách không phát hành trái phiếu để chuyển sang kênh phát hành trái phiêu riêng lẻ và công bố thông tin mập mờ; tôi rất đồng tình rằng, với chuyện công bố thông tin mập mờ, nội dung trong phát hành thiếu logic, không giám sát được các dòng tiền của chủ thể phát hành thì đều cần phải chấn chỉnh. Nhưng chúng ta cần bảo đảm một nguyên tắc, đó là một thị trường “nợ dân sự”. Ở một trường hợp nào đó chúng ta phải coi cái việc chứng khoán hóa các khế ước nợ dân sự giữa bên cho vay và bên đi vay và chúng ta phải tôn trọng tính thỏa ước dân sự đó. Hãy để cho thị trường, hãy để cho nền kinh tế tự điều tiết.

Chúng ta phải cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận với nền kinh tế, dù là doanh nghiệp yếu kém vẫn cần khả năng tiếp cận vốn. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là một kênh cực kỳ quan trọng. Nếu bị chặn kênh phát hành đơn lẻ, họ buộc phải quay sang một kênh đầu tư nguy hiểm hoặc quay sang thị trường “chợ đen”. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì tôi tin rằng, các cấp lãnh đạo đều mong muốn kiềm chế, kiểm soát nó và hạn chế tối đa vai trò của thị trường chợ đen”, ông Đức nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Tùng Anh - Trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, FiinGroup cho biết, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm đạt 76 nghìn tỷ đồng; giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong quý I quy mô phát hành đạt 65 nghìn tỷ đồng, tháng 4 đạt 10,8 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tùng Anh nhận định, giá trị phát hành thị trường sơ cấp tiếp tục chịu ảnh hưởng trong thời gian tới khi dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được thông qua và có hiệu lực.

Dù vậy, ông Anh cho rằng vẫn có những điểm sáng trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp như phát hành ra công chúng 4 tháng đầu năm chiếm tới 11,47% tổng giá trị phát hành, trong khi đó trước đây, con số này thông thường chỉ chiếm từ 4 - 5%. Điều này cho thấy, tiến trình thay đổi về chất đã dần được hình thành trước những thay đổi về chính sách.

“Về mặt cơ cấu thì trong 4 tháng qua bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu phát hành trong năm. Có thể nói, kênh trái phiếu bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá là một kênh huy động vốn quan trọng đối với các nhà phát hành bất động sản”, ông Tùng Anh nói.

Theo ông Nguyễn Tùng Anh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc một số doanh nghiệp phát hành thiếu lành mạnh gây ra tình trọng “vàng thau lẫn lộn” và các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc để lập lại trật tự, đã có ảnh hưởng đến thị trường.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định, những sự kiện vừa qua cho thấy cơ quan quản lý thắt chặt việc xử lý sai phạm của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trước đây, một số vụ việc sai phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới chỉ áp đụng việc xử phạt vi phạm hành chính, nhưng lần này động thái của cơ quan chức năng, cơ quan tư pháp, cụ thể là cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can với tội rất nặng đó là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước thông tin Bộ Tài chính xây dựng dự thảo để trình Chính phủ với mong muốn Chính phủ thắt chặt lại các quy định về việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, ông Hà cho rằng, việc ban hành nghị định mới, hoặc nghị định sửa đổi bổ sung sắp tới có thể ảnh hưởng đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ông Hà đề xuất, khung pháp luật phải có những quy định vừa thúc đẩy được sự phát triển của thị trường, nhưng phải lấp được những khoảng trống, lỗ hổng, chống việc các nhà đầu tư, tổ chức phát hành lách luật. Việc hài hòa trong xây dựng quy định pháp luật vừa đảm bảo công tác quản lý, nhưng cũng cần đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Đây là bài toán rất khó mà quốc gia nào cũng phải trải qua.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này