Ngăn chặn chuyển dịch, tẩu tán tài sản ngay trong quá trình điều tra

20:16 | 27/04/2022
(LĐTĐ) Thực tế thi hành án dân sự vừa qua đã cho thấy nhiều vụ việc bản án tuyên phải thu hồi giá trị tài sản rất lớn nhưng khi tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án xác minh tài sản của các đương sự để thi hành thì chỉ có giá trị rất nhỏ.
Đề xuất rà soát vướng mắc thực tiễn trong xã hội hoá hoạt động thi hành án dân sự Vì sao tài sản tham nhũng khó thu hồi?

Chiều 25/4, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình hoạt động quý 1/2022 của Bộ Tư pháp.

Thêm 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Bộ Tư pháp đã thực hiện xong 13 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.

Trong quý I/2022, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 41 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đã thực hiện quy trình kiểm thử và kết nối thành công thêm 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc lĩnh vực lý lịch tư pháp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ngăn chặn chuyển dịch, tẩu tán tài sản ngay trong quá trình điều tra
Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì buổi họp báo

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) đã thụ lý và cấp hơn 11.000 phiếu lý lịch tư pháp, bảo đảm đúng và sớm thời hạn; đã phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ - V06, Công an cấp tỉnh hỗ trợ các Sở Tư pháp tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp về án tích cho hơn 175.000 hồ sơ.

Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã giải quyết hơn 315.000 Phiếu đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo kê biên; Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông.

Bộ Tư pháp cũng tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp như đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại… để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp nhằm khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Cần có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay từ khi điều tra

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc kê biên, phong tỏa tài sản đối với các vụ việc lớn, có tính chất phức tạp.

Ngăn chặn chuyển dịch, tẩu tán tài sản ngay trong quá trình điều tra
Ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết Bộ Tư pháp sẽ kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp để đảm bảo việc thi hành án về sau này

Theo ông Lợi, thực tế thi hành án dân sự vừa qua đã cho thấy nhiều vụ việc bản án tuyên phải thu hồi giá trị tài sản rất lớn nhưng khi tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án xác minh tài sản của các đương sự để thi hành thì chỉ có giá trị rất nhỏ.

"Điều đó dẫn tới tỷ lệ thi hành, thu hồi được rất ít. Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và điều này đã được quy định cụ thể tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự", ông Lợi nói.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, thu giữ, kê biên tài sản đất đai, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Ông Lợi cho hay, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp rất quan tâm tới hai vụ việc mà báo chí vừa nêu. Qua báo chí, chúng ta cũng biết cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan.

“Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp để đảm bảo việc thi hành án về sau này" - ông Lợi cho hay.

Cũng liên quan đến công tác thi hành án, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong quý 1/2022, toàn Hệ thống Thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể, tính trong 6 tháng năm 2022 (tính từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/3/2022), các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 200.000 việc, đạt tỉ lệ hơn 49,00% với hơn 35.000 tỷ đồng.

Ngăn chặn chuyển dịch, tẩu tán tài sản ngay trong quá trình điều tra
Toàn cảnh cuộc họp báo.

Trong đó, về thi hành án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong gần 2.500 việc với hơn 11.000 tỷ đồng. Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 715 việc tương ứng với hơn 9.000 tỷ đồng. Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đã tổ chức thi hành xong 45 vụ việc với gần 35.000 tỷ đồng.

Các cơ quan Thi hành án dân sự cũng đã thực hiện thủ tục theo dõi đối với 262/262 bản án đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án; các cơ quan hành chính đã thi hành xong 94 việc.

Trong quý 2/2022, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao liên quan đến Đề án xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương ban hành “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027".

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2022; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này