Hà Nội: Nhiều kết quả tích cực trong công tác an toàn vệ sinh lao động

19:02 | 27/04/2022
(LĐTĐ) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Hà Nội cho biết, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 nhưng các cấp chính quyền của Thành phố đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); vai trò các quận, huyện, thị xã, Sở, ngành, đoàn thể, các Tổng Công ty trực thuộc Thành phố được nâng cao và triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực, do đó công tác ATVSLĐ trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.
Chương Mỹ: Phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2022 Quận Nam Từ Liêm phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 Khảo sát việc thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp Dệt May

Nâng cao nhận thức về ATVSLĐ

Một trong những biện pháp quan trọng giúp thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố phải kể đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác này.

Theo Sở LĐ-TB&XH, năm qua, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Sở đã hướng dẫn các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện thị xã, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động về ATVSLĐ bằng các bảng tin, băng rôn, khẩu hiệu tại các đơn vị, nhà xưởng, nơi sản xuất, phát tờ rơi,...

Sở phối hợp với Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương, Hà Nội cung cấp các tin, bài... bám sát chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 để thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, đồng thời phản ánh thực tế điều kiện làm việc của người lao động (tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ).

Hà Nội: Nhiều kết quả tích cực trong công tác an toàn vệ sinh lao động
Tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện ATVSLĐ là nội dung được các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm. Ảnh minh họa

Trong đó, Sở đã tổ chức treo 150 banner, khẩu hiệu hướng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 tại khu vực diễn ra Lễ phát động; Các quận, huyện, thị xã, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã treo 5.031 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động về ATVSLĐ trên các trục đường chính của quận, huyện, thị xã, cụm, điểm, khu công nghiệp, cổng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Trong năm, Báo Lao động Thủ đô và trang Web Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội có 28 tin bài tuyên truyền về công tác ATVSLĐ; có 5.726 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích đã được treo tại các khu vực sản xuất và cổng ra vào của các cơ quan, doanh nghiệp; có 22.550 ấn phẩm sách, báo, sổ tay, tạp chí về ATVSLĐ được phát trực tiếp cho người lao động và các Công đoàn cơ sở.

LĐLĐ Thành phố đã biên soạn và in 3.000 cuốn tài liệu “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc độc hại” phát cho các Công đoàn cơ sở.

Có 45/45 LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tuyên truyền, huấn luyện công tác an toàn, vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Các Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức 1.215 lớp tập huấn cho 54.900 lượt cán bộ công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động tại cơ sở.

Ngoài ra, Sở Thông tin truyền thông, Công an Thành phố, các Sở, ban, ngành Thành phố cũng đều đẩy mạnh những hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp về công tác ATVSLĐ, qua đó góp phần nâng cao đáng kể về nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động cũng như toàn thể nhân dân về đảm bảo ATVSLĐ.

Tăng cường thanh, kiểm tra phát hiện thiếu sót

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 rơi vào thời điểm thành phố Hà Nội hạn chế việc thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để tập trung công tác phòng chống dịch và đẩy mạnh công tác chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng đời sống, việc làm, thu nhập do dịch bệnh (theo Công điện 05 và 06/CĐ-UBND ngày 02 và 03/5/2021).

Vì vậy, năm qua, Ban Chỉ đạo ATVSLĐ Thành phố đã tạm hoãn lịch kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn của đoàn liên ngành Thành phố.

Từ 1/7/2021 sau khi dịch bệnh tại Thành phố có chiều hướng được khống chế, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức họp 2 Đoàn kiểm tra để thực hiện Quyết định 1891/QĐ-UBND ngày 27/4/2021 và đã triển khai kiểm tra tại 09/10 công trình (01 công trình đã hoàn thiện đưa vào sử dụng), tuy nhiên trước tình hình phức tạp của dịch bệnh tại các tỉnh Phía Nam và có nguy cơ dịch lây nhiễm tại Thủ Đô, thực hiện Công điện 15/CĐ-UBND ngày 18/7/2021 của UBND Thành phố về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có công văn số 4188/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 19/7/2021 gửi các đơn vị tạm dừng kiểm tra thực hiện Quyết định 1891/QĐ-UBND, đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai công tác đảm bảo ATVSLĐ và phòng, chống dịch Covid-19 trên các công trình xây dựng và sẽ có thông báo lịch kiểm tra đến các công trình, doanh nghiệp khi dịch bệnh được kiểm soát.

Qua công tác kiểm tra đã có 40 kiến nghị, thiếu sót tại các dự án công trình xây dựng về ATVSLĐ - Phòng cháy chữa cháy và đã lập biên bản vi phạm hành chính đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 nhà thầu tư vấn giám sát với số tiền là 30.000.000 đồng.

Năm 2021, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thực hiện kiểm tra 16 công trình xây dựng có nguy cơ cao về mất an toàn lao động đã lập biên bản vi phạm hành chính đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 nhà thầu với số tiền là 39 triệu đồng.

Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với Công an Thành phố tổ chức kiểm tra quản lý, chấn chỉnh công tác tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong lắp đặt, bảo trì, vận hành sử dụng đối với thang máy tại o 10 đơn vị trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ban, ngành Thành phố đã tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ theo từng lĩnh vực ngành.

Điển hình như, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, đặc biệt là các Công đoàn cơ sở tăng cường tự kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị trên cơ sở bảng mẫu tự kiểm tra do LĐLĐ Thành phố xây dựng để các Công đoàn cơ sở tham khảo thực hiện.

Hà Nội: Nhiều kết quả tích cực trong công tác an toàn vệ sinh lao động
Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội kiểm tra việc thực hiện Luật ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

UBND các quận, huyện, thị xã đã có quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành và Xây dựng Kế hoạch tổ chức kiểm tra việc thực hiện Pháp luật Lao động, luật ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hướng dẫn chỉ đạo của Thành phố nên đã số các quận, huyện, thị xã tạm dừng chưa thực hiện triển khai công tác kiểm tra và tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, việc phát hiện các thiếu sót, tồn tại và vi phạm về công tác an toàn, vệ sinh lao động đã giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện và thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động được tốt hơn, môi trường lao động sản xuất an toàn hơn, góp phần tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp bền vững.

Tai nạn lao động có xu hướng giảm

Ngoài những kết quả kể trên, năm qua, các cấp chính quyền, các Sở, ban ngành, đoàn thể của thành phố Hà Nội cũng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với việc sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ; Đăng ký kiểm tra chất lượng về hàng hóa nhập khẩu; chú trọng tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ; quan tâm công tác khen thưởng, thăm hỏi, tặng quả cho các gia đình có người bị tai nạn lao động… đã giúp cho công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn Thành phố đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Điều này thấy rõ ở việc, tình hình tai nạn lao động và cháy nổ trên địa bàn Thành phố năm 2021 có chiều hướng giảm các vụ tai nạn lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp có trong khu vực quan hệ lao động và đối người lao động không theo hợp đồng lao động.

Cụ thể, theo số liệu báo cáo của các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp và qua quá trình điều tra tai nạn lao động năm 2021, trên địa bàn Thành phố xảy ra 275 vụ tai nạn lao động làm 298 người lao động bị nạn. So với năm 2020, trong năm 2021, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người chết) giảm 16 vụ, số người chết giảm 16 người, số người bị thương nặng giảm 15 người so với năm 2020.

Năm 2022, thành phố Hà Nội đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ATVSLĐ. Trong đó, cùng với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ, các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động; Xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của công dân...

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này