Cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy sáng kiến, cải tiến

18:09 | 27/04/2022
(LĐTĐ) "Chúng ta trân trọng những sáng kiến có giá trị làm lợi cao, nhưng cũng cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy sáng kiến, cải tiến dù là nhỏ, nhưng góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tạo hiệu quả tối ưu nhất cho 1 chu kỳ sản phẩm... qua đó lan tỏa tinh thần quần chúng phát huy sáng kiến", Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải gợi mở.
Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam Triển khai “Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày” phấn đấu vì mục tiêu 1 triệu sáng kiến Nhiều sáng kiến của người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Ngày 27/4, tại Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị thực hiện các chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng và tham gia ý kiến một số định hướng phục vụ xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 trong khối các Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty. Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy sáng kiến, cải tiến
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì Hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Văn Toản cho biết: Các cấp Công đoàn triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” vào thời điểm cả nước chung sức, đồng lòng phòng chống đại dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế.

Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua hơn 4 tháng triển khai đến nay, 100% các Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, triển khai tới cơ sở. Báo cáo của các đơn vị trong cả nước, tổng số lượng chỉ tiêu đăng ký cả nước đạt trên 1 triệu sáng kiến; trong đó, 8 Công đoàn Tổng Công ty và Tập đoàn đăng ký 43.887 sáng kiến, chiếm tỷ lệ gần 4,4% chỉ tiêu cả nước.

Một số đơn vị đăng ký vượt chỉ tiêu như: Công đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (vượt 553 sáng kiến), Công đoàn Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (vượt 136 sáng kiến). Tuy nhiên, còn 6/8 đơn vị trong Khối đăng ký thấp hơn chỉ tiêu định hướng của Tổng LĐLĐ Việt Nam là 10% so với tổng số đoàn viên. Hiện, cả Khối thi đua Công đoàn ngành đang đăng ký thấp hơn chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị phấn đấu là 16.081 sáng kiến - tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các cụm, khối thi đua khác trong toàn quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh ý nghĩa của Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, đó là góp phần khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, đồng cam, cộng khổ của đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động cả nước đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước, kịp thời thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy sáng kiến, cải tiến
Bà Nghiêm Thùy Lan - Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Chương trình cũng là dịp để mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có cơ hội thể hiện tinh thần thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay, đó là đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất công tác. Đồng thời là ý chí, tình cảm của đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước lập thành tích chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.

Từ những ý nghĩa trên, ông Trần Thanh Hải đề nghị các Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty cần quán triệt cán bộ công đoàn, các cấp Công đoàn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình 1 triệu sáng kiến, để từ đó triển khai thực hiện hiệu quả hơn.

“Triển khai hiệu quả Chương trình này, là thể hiện sinh động cho việc người lao động đang đồng hành với người sử dụng lao động để có việc làm hiệu quả, việc làm chất lượng cao hơn; đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn với Ngày hội lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam”, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Theo đó, ông Trần Thanh Hải đề nghị các Công đoàn ngành và Công đoàn Tổng Công ty phải thay đổi tư duy về phát huy sáng kiến, cải tiến. “Chúng ta trân trọng những sáng kiến có giá trị làm lợi cao, nhưng cũng cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở, đặc biệt những công nhân trực tiếp sản xuất phát huy sáng kiến, cải tiến, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tạo hiệu quả tối ưu nhất cho 1 chu kỳ sản phẩm... Không nên xem nhẹ sáng kiến của người lao động ở cấp cơ sở, dù có thể hiệu quả kinh tế không cao, nhưng lan tỏa được tinh thần cống hiến, đóng góp trí tuệ, công sức, chung tay khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh...", Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Để khắc phục những hạn chế hiện nay và triển khai Chương trình 1 triệu sáng kiến có hiệu quả trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải đề nghị: Trước hết, các Công đoàn cần phân công cán bộ phụ trách Chương trình, thường xuyên cập nhật quá trình tổ chức thực hiện chương trình; báo cáo tiến độ triển khai theo tuần; trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho cấp dưới...

Cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở phát huy sáng kiến, cải tiến
Toàn cảnh Hội nghị.

Bên cạnh đó, cần hình thành Tổ sáng kiến để hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Tổ sáng kiến có trách nhiệm gợi mở và tiếp nhận ý tưởng từ người lao động; tiếp nhận sáng kiến; đề xuất lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện, ứng dụng vào thực tiễn; kê khai, cập nhật sáng kiến giúp người lao động… Đây cũng là trách nhiệm của cán bộ Công đoàn, qua đó khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn, Công đoàn sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng là: Góp phần ổn định việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động.

Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị, các cấp Công đoàn cần làm tốt công tác truyền thông về sáng kiến để thấy được sự đóng góp của tác giả, hiệu quả của sáng kiến để thấy được giá trị xã hội của sáng kiến, qua đó động viên nhiều người lao động tham gia hơn nữa. Bên cạnh đó, cần tập trung truyền thông những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả tại cơ sở. Quan trọng hơn là truyền thông thông điệp: Chương trình không chỉ là tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân, mà còn là niềm tự hào của mỗi đoàn viên công đoàn với cơ quan, đơn vị mình, cùng góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, phát triển.

Nhấn mạnh mục tiêu số lượng sáng kiến của khối các Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty còn lớn, cần phải nỗ lực hơn nữa, ông Trần Thanh Hải cũng đề nghị, mỗi cán bộ Công đoàn trong khối cần đổi mới tư duy về công tác thi đua - khen thưởng, thay đổi cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các cuộc vận động, khơi gợi ý thức tự giác của đoàn viên, người lao động trong mỗi phong trào. Muốn làm được như vậy, mỗi cán bộ Công đoàn cần tích cực, chủ động, sáng tạo hơn nữa; đặc biệt là người đứng đầu của tổ chức cần vào cuộc trách nhiệm, mạnh mẽ hơn nữa.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này