Thành phố tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp với thiết chế văn hóa còn thiếu, chậm triển khai

15:52 | 25/04/2022
(LĐTĐ) Sáng nay (25/4), tiếp tục tại phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố do Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố khoá XVI tổ chức, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chất vấn lãnh đạo Thành phố, sở ngành, quận huyện, thị xã về vấn đề các thiết chế văn hóa còn thiếu, chậm được triển khai...
Làm rõ nguyên nhân, giải pháp, lộ trình thực hiện các dự án chậm triển khai Khai mạc phiên giải trình về đầu tư, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao
Thành phố tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp với thiết chế văn hóa còn thiếu, chậm triển khai
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên giải trình.

Đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã, các đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm), Trần Hợp Dũng (tổ Thanh Trì), Nguyễn Quang Thắng (tổ Long Biên), Nguyễn Minh Tuân (tổ Phú Xuyên) đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao làm rõ về tiến độ thực hiện Dự án bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 triển khai xây dựng 8 năm vẫn chưa hoàn thành; nguyên nhân của việc chậm tiến độ này và khi nào thì được đưa vào khai thác?. Như Nhà văn hóa số 8 Hàng Bún (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) có cơ sở xuống cấp trầm trọng; nhà văn hóa tổ dân phố số 3 (phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây) cũng chung thực trạng, đề nghị lãnh đạo các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm? Dự án Công viên văn hóa thể thao quận Đống Đa được phê duyệt từ năm 2001, đến nay, hơn 20 năm vẫn chậm triển khai, nguyên nhân?...

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Dự án bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng kinh phí trên 2.300 tỷ đồng. Năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế. Đây là công đoạn cần nhiều “hội tụ” của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử. Vì thế, mất rất nhiều thời gian.

Ông Đỗ Đình Hồng cũng cho biết, UBND Thành phố đã thành lập Hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, Thành phố đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê, cho tới năm 2020, UBND Thành phố phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, chủ đầu tư cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao tới nay là Bảo tàng Hà Nội...

Thành phố tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp với thiết chế văn hóa còn thiếu, chậm triển khai
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên giải trình.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên, ông Đỗ Đình Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở Văn hóa - Thể thao. Dự án này trải qua nhiều công đoạn, Sở đã báo cáo UBND Thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ Ban Quản lý dự án bảo tàng, cố gắng trong thời gian tới sẽ thực hiện tốt hơn. Dự kiến trong tháng 5/2022, Sở Xây dựng sẽ thẩm định phần thiết kế kỹ thuật, báo cáo UBND thành phố phê duyệt lại các nội dung có liên quan.

Cũng tại phiên giải trình, trả lời vấn đề đại biểu nêu, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, Dự án Công viên văn hóa Đống Đa có từ năm 1998, có quyết định thu hồi đất tại 3 phường, trong quá trình giải phóng mặt bằng, đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9.000m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi giải phóng mặt bằng, quận đã sử dụng một một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học…

Năm 2007, Thành phố có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa, tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa thực hiện. Khó khăn, vướng mắc chính là về giải phóng mặt bằng; chế độ, chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thỏa đáng. Năm 2019, UBND quận đã có 2 văn bản báo cáo Sở Quy hoạch và Kiến trúc để báo cáo UBND Thành phố về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Năm 2021, Thành phố đã có văn bản giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án.

Thành phố tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp với thiết chế văn hóa còn thiếu, chậm triển khai
Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đặt câu hỏi tại phiên giải trình.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh bổ sung thông tin, Dự án Công viên văn hóa Đống Đa đã có khoảng 20 năm nhưng chưa triển khai. Về bản chất có thể thấy, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Với quỹ đất 8,5ha của giai đoạn 1 của Công viên văn hóa Đống Đa, song việc giải phóng mặt bằng mới triển khai được 1,9ha, đây là vướng mắc lớn giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai vừa qua…

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Tây Hồ) cho rằng, mặc dù trong những năm qua, HĐND Thành phố có những cơ chế đặc thù, các quận cũng hỗ trợ các huyện khó khăn để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, tuy nhiên, đến nay, nhiều mục tiêu xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa hoàn thành, nhiều nhà văn hóa xuống cấp không chỉ ở các huyện khó khăn, mà còn ở các quận... Đại biểu đề nghị, UBND Thành phố chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp và lộ trình để khắc phục, xây dựng một đề án riêng cho lĩnh vực này.

Các đại biểu Nguyễn Thị Bích Thủy (tổ Cầu Giấy), Phạm Thị Thanh Hương (tổ Ứng Hòa), Hoàng Thị Tú (tổ Phúc Thọ) phản ánh, một số thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng bộ, xuống cấp, nhiều năm chưa được quan tâm đầu tư cải tạo, đề nghị UBND Thành phố nêu nguyên nhân chậm triển khai và giải pháp thời gian tới…

Trả lời các vấn đề đại biểu nêu, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện có 129 thôn, tổ dân phố được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, trong đó, xây dựng mới 63 nhà văn hóa thôn với số tiền 130 tỷ đồng, nâng cấp 22 nhà văn hóa thôn với số tiền 10 tỷ đồng. Mới đây, huyện đã phê duyệt danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho trên 10.000m2 để xây dựng nhà văn hóa với nguồn lực 80 tỷ đồng. Hiện nay, có 3 nhà văn hóa do tách thôn nên còn thiếu, huyện sẽ phấn đấu đến năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thành phố tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp với thiết chế văn hóa còn thiếu, chậm triển khai
Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đặt câu hỏi tại phiên giải trình.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi huyện từ tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập về thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện, hạ tầng trường học, trạm y tế, đường giao thông, nhà văn hóa rất thiếu, xuống cấp. Nhiều năm qua, huyện Mê Linh cũng đã quan tâm chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa của huyện, thôn, tổ dân phố, đến nay có 84/95 thôn, nhà văn hóa được xây dựng, củng cố, thời gian tới sẽ bố trí xây dựng, hoàn thiện 15 nhà văn hóa còn lại theo tiêu chuẩn.

Về xây dựng các nhà văn hóa cấp xã, huyện, có 16 nhà văn hóa do liên quan điều chỉnh phân khu, nên chậm. Dự kiến 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2024, huyện sẽ đầu tư 12 nhà văn hóa cấp xã với khoảng 15 tỷ đồng/nhà văn hóa; các nhà văn hóa còn lại sẽ được xây dựng tiếp trong năm 2025.

Tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, trong suốt thời gian qua, công tác đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo, đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, làm cơ sở cho việc triển khai. Trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố đã tăng thêm 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Hiện còn thiếu 40 nhà văn hóa, trong đó 23 nhà văn hóa vướng mắc chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn để triển khai dự án.

Tuy được quan tâm, nhưng còn một số đơn vị thiếu thiết chế văn hóa; công tác quản lý, sử dụng các thiết chế còn một số bất cập. Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho rằng, nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành thành phố cũng chưa tích cực, dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra, kinh phí đầu tư từ thành phố đến cơ sở cũng hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi việc thu hút nguồn lực xã hội, nhất là ở các huyện còn khó khăn...

Để hoàn thành các mục tiêu theo yêu cầu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy các kết quả đạt được, tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở; rà soát cập nhật quy hoạch văn hóa Hà Nội vào Quy hoạch chung của thành phố. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng tập trung ban hành các cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa, thể thao, phù hợp với thực tế. Chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa; ban hành quy chế quản lý, khai thác và hoạt động của các nhà văn hóa cấp xã, thôn, tổ dân phố; ban hành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn...

T.Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này