Bộ Ngoại giao thông tin về tiến độ tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

19:56 | 21/04/2022
(LĐTĐ) Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tích cực vận động, trao đổi với COVAX, các nước đối tác và các tập đoàn sản xuất vắc xin thúc đẩy nhanh việc cung cấp, hỗ trợ vắc xin cho trẻ em.
Đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ở Hà Nội: Tiêm chủng an toàn, phụ huynh tin tưởng Hà Nội có thêm 1.253 ca Covid-19 Hơn 10.000 trẻ lớp 6 ở TP.HCM đã được tiêm vắc xin Covid-19
Bộ Ngoại giao thông tin về tiến độ tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin tại buổi họp báo.

Ngày 21/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về tiến độ tiếp nhận vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin, triển khai chủ trương tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi nhằm sớm bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tích cực vận động, trao đổi với COVAX, các nước đối tác và các tập đoàn sản xuất vắc xin thúc đẩy nhanh việc cung cấp, hỗ trợ vaccine cho trẻ em.

Đến nay, Chính phủ Úc đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 12,8 triệu liều vắc xin (đã tiếp nhận 4,6 triệu liều Moderna), Hà Lan hỗ trợ 02 triệu liều vắc xin Moderna và Pháp hỗ trợ 02 triệu liều vắc xin Pfizer (dự kiến về Việt Nam trong tháng 4/2022).

Hiện Bộ Ngoại giao đang tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Y tế trao đổi với các tổ chức quốc tế và đối tác nhằm bảo đảm đủ nguồn cung vắc xin cho trẻ em, góp phần giúp hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong Quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời câu hỏi đề nghị bình luận về việc chính thức vận hành một số tuyến đường sắt liên vận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc (tuyến An Huy – Hà Nội, Thành Đô – Hà Nội), Người Phát ngôn cho biết, trong các ngày 15 và 16/4, một số tuyến đường sắt liên vận vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu giữa một số địa phương Trung Quốc như Tứ Xuyên, An Huy với Việt Nam đã đi vào khai thác.

Đường sắt liên vận quốc tế là phương thức vận tải an toàn, hiệu quả với nhiều ưu điểm về thời gian và giá thành vận chuyển, sẽ góp phần thúc đẩy giao thương thông suốt giữa hai nước cũng như kết nối tới các thị trường khác. Kết nối vận tải đường sắt phù hợp với hợp tác giữa hai bên trong việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hàng lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Việt Nam và Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 165.9 tỷ USD, tăng 24.6% so với năm 2020. Quý I năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 40.8 tỷ USD, tăng 10.6% so với cùng kỳ. Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy thương mại song phương phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này