Đóng góp xứng tầm, chăm lo xứng đáng

09:48 | 27/04/2022
(LĐTĐ) Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chăm lo của chính quyền, tổ chức Công đoàn và các cấp, ngành, đội ngũ công nhân viên chức lao động Thủ đô, trong đó có công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp ngày càng trưởng thành, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Ghi nhận đóng góp quan trọng của lực lượng công nhân, cấp ủy, chính quyền và tổ chức Công đoàn Thành phố cũng đã và tiếp tục có nhiều giải pháp thiết thực quan tâm, chăm lo toàn diện từ đó góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, đúng theo tinh thần Nghị quyết 20/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Chăm lo cho người lao động thực chất, hiệu quả Thực hiện hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động Tiếp tục làm tốt công tác chăm lo, hướng đến các hoạt động trọng tâm

Đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô

Những năm gần đây, do số doanh nghiệp tăng mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng CNLĐ Thủ đô những năm gần đây tăng lên đáng kể.

Không chỉ lớn mạnh về số lượng, lực lượng CNLĐ Thủ đô cũng ngày càng phát triển về chất lượng. CNLĐ hiện đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa Thủ đô, đất nước.

Đóng góp xứng tầm, chăm lo xứng đáng
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa thăm hỏi đời sống, việc làm, nắm tâm tư nguyện vọng công nhân Công ty Nhựa Hà Nội.(Ảnh chụp thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)

Đặc biệt, được sự quan tâm chăm lo của các cấp, ngành, nhất là tổ chức Công đoàn, trình độ học vấn, tay nghề, tinh thần làm chủ, ý thức tác phong của CNLĐ được từng bước nâng lên.

Nhìn chung, đội ngũ CNLĐ Thủ đô có bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, tinh thần yêu nước, tư tưởng ổn định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng.

Công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nói chung, trong đó có CNLĐ trực tiếp ở Thủ đô luôn đi đầu trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

CNLĐ Thủ đô, nhất là lực lượng công nhân trẻ luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, năng động, ham học hỏi, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức, thích ứng nhanh với với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế... Thế mạnh này giúp đội ngũ công nhân ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Thực tế phát triển của Hà Nội đã chứng minh rõ điều này. Đối với Hà Nội, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức song những năm gần đây, nền kinh tế của Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng khá, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước, an sinh, xã hội được cải thiện, diện mạo của Thủ đô ngày càng đổi mới, xứng đáng là địa phương đầu tàu của cả nước.

Thành quả đó có sự đóng góp chủ lực của đội ngũ CNVCLĐ, nhất là lực lượng CNLĐ trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Để chăm lo tốt hơn cho công nhân, người lao động, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết, trong thời gian tới, LĐLĐ Thành phố và các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn Thành phố, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Trong đó LĐLĐ Thành phố sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp ở khu vực ngoài nhà nước, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đóng góp của CNVCLĐ Thủ đô với Thành phố thể hiện rõ nét nhất trong lao động sản xuất, công tác. Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn; sự tuyên truyền, vận động, phát động của tổ chức Công đoàn, CNVCLĐ ở khắp các đơn vị cơ sở, nhất là CNLĐ trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, các phân xưởng sản xuất trên địa bàn Thủ đô đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua lao động giỏi, phấn đấu trở thành công nhân giỏi, thi đua phát huy sáng kiến, sáng tạo, thực hành tiết kiệm, tạo khí thế lao động sản xuất sôi nổi, cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời khủng hoảng kinh tế.

Đáng chú ý nhất trong các phong trào thi đua của đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô phải kể đến phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.

Được khởi xướng từ năm 2007, qua 13 năm triển khai, phong trào thi đua này đã chứng tỏ rõ hiệu quả thiết thực, có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Không chỉ là các kết quả vật chất cụ thể, các phong trào thi đua trong CNVCLĐ Thủ đô cũng đã góp phần tích cực giúp doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh thời kỳ hội nhập đồng thời trở thành động lực động viên, cổ vũ CNVCLĐ tích cực lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô, đất nước. Qua rèn đức, luyện tài, mỗi năm, có hàng chục ngàn CNLĐ trực tiếp đã trở thành công nhân giỏi, gương sáng kiến sáng tạo các cấp. Đây chính là “nguồn của cải” vô giá đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và toàn thành phố.

Chăm lo toàn diện lực lượng công nhân

Xác định vai trò nòng cốt và trân trọng những đóng góp của đội ngũ công nhân, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp ngành từ Trung ương tới Thành phố đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp chăm lo toàn diện cho đội ngũ công nhân, người lao động. Đường lối xây dựng giai cấp công nhân được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, Ban chấp hành Trung ương (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 28/1/2008) về xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã tạo thêm điểm tựa để lực lượng CNLĐ phát triển và khẳng định vị thế của mình.

Đóng góp xứng tầm, chăm lo xứng đáng
Người lao động yên tâm lao động sản xuất, đóng góp cho doanh nghiệp và sự phát triển Thủ đô.

Tại Hà Nội, ngay khi có Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 32-CT/TU ngày 4/4/2008 "Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Thực hiện Chương trình hành động số 32 của Thành ủy, các cấp, các ngành Thành phố đã xây dựng, triển khai, thực hiện nhiều đề án, dự án nhằm bồi dưỡng, đào tạo và chăm lo cho CNLĐ.

Theo đó, thành phố đã quan tâm và có nhiều chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ CNLĐ như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ các khu công nghiệp tập trung, quan tâm các dịch vụ xã hội và chính sách an sinh cho người lao động có thu nhập thấp...

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp cũng được các ngành chức năng của Thành phố triển khai quyết liệt, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Qua kiểm tra tại các doanh nghiệp, các ngành chức năng của Thành phố truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thành phố và tổ công tác liên ngành giải quyết kịp thời các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, bảo vệ quyền và lợi ích tập thể cho CNLĐ.

Hằng năm, Ủy ban nhân dân và LĐLĐ Thành phố đã phối hợp tổ chức tiếp xúc, đối thoại với CNLĐ trong các khu công nghiệp và chế xuất, thông qua đó đã có nhiều hình thức, biện pháp chỉ đạo nhằm giải quyết kiến nghị chính đáng CNLĐ.

Cùng với các cấp ngành và Thành phố, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng xác định rõ vai trò đại diện của mình, luôn quan tâm, chú trọng, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, chăm lo toàn diện cho đội ngũ CNVCLĐ, trong đó có lực lượng CNLĐ trực tiếp. Các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai nâng cao chất lượng tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, Hội nghị người lao động hàng năm.

Cùng với đó Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”, Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” cũng được LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả.

Nhiều bản Thỏa ước lao động tập thể đã có những nội dung có lợi cho người lao động. Dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, các Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở cũng phối hợp tổ chức đối thoại giữa Công đoàn - người sử dụng lao động (hoặc chính quyền) - người lao động để nắm diễn biến, tình hình tư tưởng, giải quyết những kiến nghị, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, CNVCLĐ, giải quyết các phát sinh trong quan hệ lao động.

LĐLĐ Thành phố đã ký kết nhiều chương trình phối hợp công tác với các cấp, ngành chăm lo cho CNVCLĐ đồng thời chủ động tham gia các chương trình kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp, tích cực phát huy vai trò của Công đoàn trong khởi kiện doanh nghiệp vi phạm việc trích đóng kinh phí công đoàn nợ đọng, bảo hiểm xã hội…

Tính riêng trong giai đoạn 2015-2020, CNVCLĐ Thủ đô đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 11.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở, 320 cá nhân được Chủ tịch UBND Thành phố tặng bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô”. Trong đó có 290 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của CNLĐ được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Chăm lo, bảo vệ CNVCLĐ là hoạt động xuyên suốt của tổ chức Công đoàn nhưng trong nhiều năm qua, các hoạt động này được đẩy lên thành cao trào vào Tháng Công nhân và Tết Nguyên đán hàng năm.

Trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phong phú hướng về người lao động với phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn”, đoàn viên Công đoàn, CNLĐ có “Phúc lợi được đảm bảo, quyền lợi được tốt hơn” còn mỗi dịp Tết Nguyên đán tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, đảm bảo tất cả mọi đoàn viên, CNVCLĐ đều có Tết đầm ấm, đủ đầy.

Có thể kể đến những hoạt động chăm lo Tết ấn tượng mà các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai như: Chương trình Tết Sum vầy; hỗ trợ phương tiện đưa công nhân ở xa về quê đón Tết; thăm hỏi, tặng quà lực lượng làm việc xuyên Tết; trao trợ cấp Tết cho những đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Có thể nói những hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong thời gian qua đã góp phần cùng Thành phố chăm lo đáng kể cho lực lượng công nhân, qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn với chính quyền, xã hội và người lao động.

Tiếp tục xây dựng lực lượng công nhân vững mạnh

Mặc dù đã được các cấp ngành và tổ chức Công đoàn quan tâm chăm lo, song thực tế, do những lý do khách quan như thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong hơn 2 năm vừa qua, đồng thời với những yếu tố chủ quan như giá cả tiêu dùng và các loại hình vụ tăng cao như hiện nay thì đời sống của một bộ phận CNVCLĐ, đặc biệt là CNLĐ trực tiếp vẫn hết sức khó khăn.

Hai năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc làm bị thu hẹp, thu nhập giảm sút, Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng khiến bài toán chi tiêu của công nhân trở nên căng thẳng.

Đóng góp xứng tầm, chăm lo xứng đáng
Công nhân tham gia một Hội thi thợ giỏi do UBND và LĐLĐ thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.

Nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phải tằn tiện, dè sẻn trong chi tiêu mà vẫn chưa đủ sống. Dù Thành phố chủ trương xây dựng nhà ở cho CNLĐ và đã có một số khu nhà ở CNLĐ tại KCN Bắc Thăng Long - huyện Đông Anh, KCN Phú Nghĩa- huyện Chương Mỹ đi vào hoạt động song vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của mọi công nhân.

Đa số công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn phải tự lo thuê nhà ở trong các khu nhà trọ chật chội, thiếu thốn, không đủ tiện nghi sinh hoạt và điều kiện an sinh tối thiểu. Các công trình phúc lợi công cộng, thiết chế văn hóa cho công nhân chưa được đầu tư đầy đủ.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp vi phạm chế độ, chính sách đối với người lao động, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động vẫn xảy ra.

Thực tế trên đòi hỏi tổ chức Công đoàn ngày càng phải làm tốt hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động….

Để chăm lo tốt hơn cho công nhân, người lao động, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cho biết, trong thời gian tới, LĐLĐ Thành phố và các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn Thành phố, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Trong đó LĐLĐ Thành phố sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn trong các doanh nghiệp ở khu vực ngoài Nhà nước, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tổ chức Công đoàn có phát triển vững mạnh, cán bộ Công đoàn cơ sở có tâm huyết, bản lĩnh, trình độ vững vàng thì việc chăm lo, bảo vệ công nhân, người lao động mới có thể được thực hiện tốt. Và đương nhiên, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thực chất, hiệu quả, sát cơ sở, người lao động; chú trọng chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động để khẳng định và ngày càng nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn.

Trước mắt, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang tập trung triển khai tổ chức tốt Tháng Công nhân năm 2022 gắn với Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động để CNLĐ được thụ hưởng thực sự sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn và toàn xã hội, được có một môi trường sống, làm việc an toàn.

Cùng với chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần, tổ chức Công đoàn cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”… gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thông qua đó động viên CNVCLĐ không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, kỹ năng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Tổ chức Công đoàn sẽ tích cực đề nghị với Chính phủ, cơ quan chức năng quan tâm công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, để thích ứng kịp thời với đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, qua đó ngày càng nâng cao chất lượng và xây dựng lực lượng công nhân vững mạnh./.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này