Hà Nội sẵn sàng tâm thế vươn lên xứng tầm khu vực

09:09 | 29/04/2022
(LĐTĐ) Vận dụng sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của Thủ đô, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 47 năm qua thành phố Hà Nội vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước; đang tiếp tục nỗ lực phát triển nhanh, bền vững, theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, để vươn lên sánh vai với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hà Nội sẵn sàng cho kỳ SEA Games 31 thành công Hà Nội sẵn sàng cho Ngày hội non sông Doanh nghiệp Hà Nội sẵn sàng cạnh tranh để lớn mạnh!

Khẳng định vai trò, vị trí là trung tâm của cả nước

Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục… và giao dịch quốc tế. Với vị trí, vai trò chiến lược về chính trị, kinh tế của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta.

Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần". Thực hiện lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để bảo vệ, xây dựng và phát triển. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Hà Nội là một công trường lớn xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Hà Nội sẵn sàng tâm thế vươn lên xứng tầm khu vực
Kể từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La (Thăng Long), trải qua hơn 1.000 năm, Hà Nội luôn khẳng định vị trí vai trò trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt là sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô; 13 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ… của quốc gia. Hệ thống chính trị các cấp thường xuyên được kiện toàn, xây dựng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, quản lý xã hội; trong đó, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của hệ thống tổ chức Đảng trở thành nét tiêu biểu của Thủ đô những năm gần đây. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao.

Cơ cấu kinh tế Thủ đô được đánh giá là chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, giai đoạn 2016-2021, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách Nhà nước, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài thường xuyên dẫn đầu cả nước (năm 2019 đạt 8,05 tỷ USD, cao nhất trong 35 năm đổi mới và hội nhập). Hà Nội ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Cùng với phát triển kinh tế, diện mạo Thủ đô cũng có nhiều khởi sắc, nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, môi trường, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội người ước đạt 5.420 USD/năm.

Các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… phát triển mạnh mẽ; quốc phòng, an ninh thường xuyên được tăng cường củng cố ngày càng vững chắc; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế với thủ đô, thành phố của các nước ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu; uy tín, vị thế của Thủ đô không ngừng được nâng cao, xứng đáng là trung tâm ngoại giao của đất nước. Hà Nội đang có quan hệ, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; trong đó có ký thỏa thuận hợp tác với hơn 60 thủ đô, thành phố trên thế giới; quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đặc biệt năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng Hà Nội vẫn đạt mục tiêu kép với mức tăng GRDP 2,92%. Tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư nước ngoài thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần trên địa bàn Hà Nội đạt 1,5 tỷ USD. Cộng dồn cả năm 2021, Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho trên 24,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký mới đạt 345,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị tiếp tục tạo chuyển biến mới khi Hà Nội đã hoàn thành phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử (với tổng diện tích 2.710ha) và 1 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung, 2 đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị, 19 đồ án đang thẩm định...

Thành phố đã nhận bàn giao và vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; triển khai 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông; mở mới 14 tuyến xe buýt; bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt... Đã hoàn thành 6 dự án nhà ở thương mại, 2 dự án nhà ở xã hội, 5 dự án tái định cư. Tiếp tục triển khai, hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh với gần 300.000 cây xanh các loại, trong đó có trên 100.000 cây đô thị...

Có thể khẳng định, Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Nói tới Hà Nội hôm nay, người dân và bạn bè quốc tế đều hình dung về một Thủ đô có nhiều tiềm năng, hội tụ sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, truyền thống hào hùng, phẩm chất cao đẹp, với những chiến công và thành tích vang dội được bạn bè và các tổ chức quốc tế ngợi ca là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo". Đây là cơ hội thuận lợi khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa, đưa Hà Nội thành "Thủ đô sáng tạo" của khu vực Đông Nam Á - điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Khát vọng vươn tầm khu vực và thế giới

Trong hành trình phát triển, Hà Nội đã và đang từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế bằng các giải pháp cụ thể. Trong đó, để khắc phục việc gia tăng dân số cơ học, quá tải về y tế, giáo dục, giao thông và giải quyết bất cập về tốc độ đô thị hóa, phát triển nhà ở, bảo đảm an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường… Hà Nội chủ trương xây dựng Thành phố thông minh, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản trị của chính quyền đô thị và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, tạo ra những giá trị nhân văn cho cộng đồng. Đây là yêu cầu cấp thiết và là mục tiêu hướng tới của Thủ đô.

Hà Nội sẵn sàng tâm thế vươn lên xứng tầm khu vực
Vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Đảng bộ thành phố Hà Nội đoàn kết một lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp.

Lộ trình xây dựng Thành phố thông minh của Hà Nội gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018-2020), hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của Thành phố thông minh: Cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, chính quyền điện tử, các hệ thống thông minh trong những lĩnh vực: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, môi trường và an ninh trật tự. Giai đoạn 2 (2020-2025), hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý, hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (sau năm 2025), phát triển thành phố thông minh ở mức cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và những thành tựu to lớn đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã, đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Với quyết tâm chính trị cao và lộ trình khoa học, cách làm bài bản, chắc chắn, cùng những bước đi thận trọng, Hà Nội sẽ sớm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo, vươn lên sánh vai với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã di nguyện: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".

Ở giai đoạn 1, Hà Nội đã tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển thương mại điện tử, tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng và phát triển hiện đại, an toàn; đột phá căn bản về công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị.

Lần đầu tiên, Hà Nội triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và phần mềm "một cửa" điện tử dùng chung trên phạm vi chính quyền 3 cấp; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố xây dựng thành phố thông minh, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực "nóng", như: giao thông, du lịch, y tế, môi trường, và sự thành công của Hà Nội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua có sự góp phần quan trọng của các nền tảng thông minh.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Hà Nội được chú trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Các công trình giao thông trọng điểm được hoàn thiện, hệ thống hạ tầng đô thị, nhà ở thông minh... đã góp phần quan trọng tạo dựng bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Thành phố cũng đang đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án lớn đang triển khai: Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Khu đô thị thành phố thông minh…

Đặc biệt, với việc phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và thúc đẩy tiến độ Dự án đường Vành đai 4 Vùng thủ đô, Hà Nội từng bước phát triển thành một siêu đô thị, trung tâm kết nối và lan tỏa sự phát triển mạnh mẽ, dựa trên nền tảng công nghệ mới, con người văn hóa, văn minh, hiện đại.

Để thực hiện khát vọng về một Hà Nội xứng tầm khu vực, thế giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, GRDP/người/năm đạt trên 36.000 USD.

Hà Nội sẵn sàng tâm thế vươn lên xứng tầm khu vực
Hà Nội đã, đang không ngừng phát triển xứng tầm khu vực.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiến hành các biện pháp thực hiện thành công việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn.

Tranh thủ thời cơ từ hội nhập quốc tế, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thành phố đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, nghìn năm văn hiến và anh hùng, "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo". Kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thượng tôn pháp luật, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội; tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển và luôn coi đó là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.

Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương, văn minh đô thị. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, giao lưu nhân dân; chủ động hội nhập, nâng tầm của Thủ đô trong khu vực và quốc tế./.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này