Đổi thay lớn lao ở Thành phố mang tên Bác

09:01 | 30/04/2022
(LĐTĐ) Sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước. Với truyền thống năng động, sáng tạo, các thế hệ lãnh đạo và người dân Thành phố đã xây dựng nên một đô thị hiện đại, mang trong mình sứ mệnh và tầm vóc lớn lao trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Diện mạo đô thị Thành phố không ngừng thay đổi hàng ngày theo hướng hiện đại, văn minh, nghĩa tình.
Giải phóng miền Nam và bài học đại đoàn kết Hồi ức chiến tranh qua những Quyết tâm thư Sống lại những ngày tháng 4 lịch sử ở Hà Nội

Giữ vững đầu tàu kinh tế

Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế, động lực thúc đẩy sự phát triển về nhiều mặt của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích với quy mô đô thị hơn 10 triệu người, nhưng Thành phố vẫn đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động và nhất là tiềm lực về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo.

Đổi thay lớn lao ở Thành phố mang tên Bác
Quang cảnh chung cuộc mít-tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn, ngày 7/5/1975. Ảnh tư liệu.

Tại buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: “Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước với khoảng 13% dân số, đóng góp khoảng 22-25%GDP, chiếm khoảng 25-27% tổng thu ngân sách Nhà nước, có vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường rộng lớn.

Thành phố trẻ rất năng động, thường xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới, hiệu quả, có sức lan tỏa cao. Thành phố cũng là nơi đầu tiên thực hiện tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng mô hình “Thành phố trong thành phố” đối với thành phố Thủ Đức; tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh; thu hút được nhiều nhóm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, chiếm hơn 42% Startup cả nước”.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế Thành phố tăng trưởng âm (giảm 6,78%), thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Tuy vậy, đại dịch Covid-19 vẫn không thể “đánh bại” một Thành phố có truyền thống năng động, sáng tạo. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2021 vẫn đạt 1.298.791 tỷ đồng. Trong năm 2021, Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 300.000 lượt người lao động (đạt 101,9% kế hoạch), trong đó tạo 140.000 chỗ làm mới.

Thực hiện hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Thành phố đã chi cho hơn 9.363.977 đối tượng với số tiền trên 13.576 tỷ đồng. Thành phố cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người lao động quay lại làm việc qua đó giúp Thành phố nhanh chóng lấy lại được “sức sống” sau nhiều chuỗi ngày ảm đạm chống dịch. Trong Quý I/2022, thu nhập bình quân của lao động tại thành phố Hồ Chí Minh là 8,9 triệu đồng/người, tăng 36,5% và đây cũng là mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước vào thời điểm hiện tại.

Dù nền kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh đang có sự phát triển rất khả quan, nhưng ở trong thời điểm mà sự đổi mới là chìa khoá đem đến thành công, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tìm kiếm mô hình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, để đến năm 2030 trở thành Thành phố dịch vụ công nghiệp, trung tâm kinh tế tài chính của khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2022, khi dịch Covid được đẩy lùi, kinh tế Thành phố đã lấy lại đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) Quý 1/2022 tăng 1,88% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%); tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,7%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thành phố tăng 1,04% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,8%).

Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26% so với cùng kỳ. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,39% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%). Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.182 tỷ đồng, tăng 1,24% so với cuối năm 2021. Cũng trong Quý 1/2022 đã có hơn 9.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 145.931 tỷ đồng (tăng 27,86% về số lượng doanh nghiệp). Toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 80.500 lượt người (đạt 26,84% kế hoạch năm), thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 với số tiền trên 13.576 tỷ đồng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá: Quý 3/2021, kinh tế Thành phố “chạm đáy”, quý 4/2021 có biểu hiện phục hồi và đến quý 1/2022 đã tăng trưởng đạt 1,88%. Kết quả này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, khi Thành phố vừa trải qua năm 2021 với thử thách quá lớn do dịch Covid-19. Tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2022 chứng minh cho sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố, là sự khởi đầu thuận lợi, rất phấn khởi.

Phân tích nguyên nhân đạt được các kết quả trong Quý 1/2022, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng: Trước hết là sự điều hành của UBND Thành phố, các sở ngành và hệ thống chính trị Thành phố rất quyết liệt, đồng bộ, triển khai kịp thời các chỉ đạo của Trung ương về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Thứ hai là sự chủ động, năng động, sáng tạo, tinh thần tiến thủ rất lớn của người dân và doanh nghiệp Thành phố. Thứ ba là sự giám sát và các hoạt động tương tác của HĐND Thành phố, các Đại biểu Quốc hội, các đoàn kiểm tra giám sát giúp Thành phố.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2022 tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, Thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đến năm 2030, Thành phố là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tiếp tục tạo đột phá

Để đạt bước đột phá thời kỳ hậu Covid-19, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, giai đoạn 1 (từ tháng 1 – 12/2022), Thành phố phấn đấu khắc phục hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch.

Đổi thay lớn lao ở Thành phố mang tên Bác
Sau 47 năm thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên phát triển là đầu kinh tế đất nước.

Giai đoạn 2 (từ năm 2023-2025), Thành phố tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, giải quyết điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của Thành phố về tài chính, thương mại, logistic, du lịch, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa…

Riêng trong năm 2022, Thành phố đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 6 - 6,5%, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TEP) vào GRDP đạt trên 49%, chi phí đầu tư cho khoa học, công nghệ đạt bình quân 0,75% GRDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm. Về chỉ tiêu xã hội, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt trên 86,05% trong tổng số lao động đang làm việc, giải quyết việc làm cho 300.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã trình Chính phủ để Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua dự án đường Vành đai 3, khởi động hồ sơ đường Vành đai 4 và đề xuất khép kín đường Vành đai 2, hoàn thành hồ sơ đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Đồng thời, cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) để cuối năm 2022 vận hành thử nghiệm và vận hành chính thức từ năm 2023.

Thành phố sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ, minh bạch bất động sản, hoàn thành đề án thí điểm tổ chức lại trung tâm quỹ đất, quận huyện, ứng dụng chuyển đổi số về đất đai trên địa bàn; báo cáo và đề xuất phương án đấu giá nhà đất, xử lý vấn đề 4 lô đất tại Thủ Thiêm, hoàn thiện phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hoá, quản lý sử dụng hiệu quả nhà công, đất công. Về chính sách an sinh, xã hội, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược an sinh, tập trung vào người lao động để họ cùng chung sức phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao cuộc sống người dân

Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay là trung tâm tài chính, thương mại của cả nước, đô thị hiện đại bậc nhất khu vực phía Nam. Đã có hàng trăm công trình trọng điểm mang tính đột phá đã được xây dựng, hoàn thành và đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế như cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, hầm Thủ Thiêm, chỉnh trang tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè,... Hay như những công trình lớn đang dần rõ “hình hài” như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án chống ngập ngăn triều quy mô 10.000 tỷ đồng, cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Trong quá trình phát triển, Thành phố luôn chú trọng và đặt mục tiêu hàng đầu là cải thiện đời sống dân sinh thông qua các dự án chỉnh trang đô thị như cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là dự án trọng điểm, mang tính đột phá của Thành phố, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Trước đây, khi nhắc đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, 10, 3, 1 và đổ ra sông Sài Gòn) người ta nghĩ ngay đến dòng kênh ô nhiễm có màu nước đen kịt, bốc mùi hôi thối với những khu nhà ẩm thấp chen chúc nhau ở hai bên bờ kênh, nhưng sau nhiều năm nỗ lực cải tạo, dòng kênh này đã lột xác.

Hiện nay, nhờ cải tạo, đầu tư xây dựng, hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa dọc bờ kênh đã rợp bóng cây xanh với vỉa hè thoáng đãng, trở thành nơi vui chơi, nghỉ ngơi hóng mát và tập luyện thể dục, thể thao cho người dân.

Đổi thay lớn lao ở Thành phố mang tên Bác
Ảnh minh họa.

Với quyết tâm cải tạo kênh Nhiêu Lộc, từ năm 2002, Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn một) được thiết kế với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Sau gần 10 năm triển khai, vào ngày 18/8/2012, công trình xây dựng, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh được khánh thành, đánh dấu sự hồi sinh của dòng kênh hơn 20 năm “chết” chìm trong rác.

Trong không khí những ngày Tháng 4 hào hùng, tản bộ dọc công viên bên dòng kênh, ông Trần Văn Liệu (64 tuổi, ngụ đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận) cho biết, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây là các khu nhà cấp 4 xập xệ, sinh hoạt không như bây giờ nên dòng kênh bị ô nhiễm rất nặng. Sau thời gian dài, dòng kênh này dường như đã “chết” với màu nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

“Trước đây mùi hôi bốc lên nồng nặc, ai đi qua kênh đều rất khó chịu. Nhưng mức sống thời đó khác bây giờ, điều kiện cũng khác nên việc làm sạch kênh là rất khó. Bây giờ con kênh này sạch hơn nhiều rồi, đi qua đây cũng không còn mùi mà màu nước cũng xanh biếc”, ông Liệu cho hay.

Việc thành công trong cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã tạo ra một điểm sáng trong công tác nỗ lực cải thiện môi trường và điều kiện sống của thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nền móng quan trọng để thực hiện cải tạo những con kênh đang ô nhiễm khác như Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên…

Ngoài công tác cải tạo kênh rạch, thành phố Hồ Chí Minh cũng chú trọng mở rộng không gian sống cho người dân, đáp ứng nhu cầu văn hóa, giải trí. Thời gian qua đã có nhiều khu đô thị mới, hiện đại đã và đang được đầu tư bài bản như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Vạn Phúc, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Nam Thành phố, khu đô thị Tây Bắc…

Sau đại dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế. Một lần nữa thành phố Hồ Chí Minh tự tin và vững chắc vượt qua thử thách lớn, tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để giữ vững vai trò trung tâm tài chính, thương mại, đầu tàu kinh tế của cả nước./.

Nhóm Phóng viên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này