Vì đất nước và Thủ đô phồn vinh

08:46 | 30/04/2022
(LĐTĐ) Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), Quốc tế Lao động 1/5 và chào mừng Tháng Công nhân năm 2022, mỗi chúng ta càng thêm tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, trân quý quá khứ, nguyện đoàn kết một lòng, không ngừng nỗ lực phấn đấu để cùng nhau xây dựng đất nước hùng cường.
Giải phóng miền Nam và bài học đại đoàn kết Xây dựng đất nước và Thủ đô phồn vinh Sống lại những ngày tháng 4 lịch sử ở Hà Nội
Vì đất nước và Thủ đô phồn vinh
1 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng dinh tổng thống ngụy (nay là Dinh Thống Nhất) - Ảnh tư liệu

Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà còn khẳng định chân lý: Một dân tộc có truyền thống anh hùng, có lòng yêu nước nồng nàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhất định khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Phát huy hào khí 30/4 bất diệt, sau khi đất nước thống nhất, dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã từng bước hóa giải được những thách thức để bảo vệ vững chắc độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, đưa nền kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng.

Từ chỗ thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khép kín với thế giới, lại bị bao vây cấm vận, tại Đại hội VI năm 1986, Đảng ta đã tháo nút thắt bằng chính sách đổi mới, từ đây nền kinh tế đất nước dần vận hành theo cơ chế thị trường và đến nay đã hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.

Trên bình diện ngoại giao, từ chỗ bị bao vây cấm vận, chúng ta đã tháo mọi rào cản, thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, nâng tầm quan hệ ở mức đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều quốc gia, trong đó có những nước lớn.

Từ chỗ bị cô lập, nay Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các tổ chức của thế giới; tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…Vị thế và tiếng nói chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Đặc biệt từ chỗ là quốc gia nghèo, sau 35 tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành nước có thu nhập trung bình.

Đời sống của người dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Số người giàu ngày một nhiều, người nghèo ngày một giảm, hộ đói cơ bản không còn. Việt Nam đã vươn lên là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Đây chính là thành quả lớn nhất của đất nước trong 47 năm qua.

Vì đất nước và Thủ đô phồn vinh
Ảnh minh họa.

Không bằng lòng với những gì đã có, để đưa đất nước tiếp tục phát triển trong một thế giới đầy biến động, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa nhiều quyết sách mang tầm chiến lược. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu trên, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, công nhân lao động Thủ đô nói riêng và Tổ chức Công đoàn luôn phát huy hào khí tiến công của tinh thần 30/4, Quốc tế Lao động 1/5 bất diệt, không ngừng học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, luyện tay nghề để nâng cao năng suất lao động. Công nhân lao động là chủ thể của đơn vị, doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế.

Do đó, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh chính là “chìa khóa” để hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước tiến tới hùng cường. Vì thế, Tháng Công nhân hàng năm không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp công nhân mà còn thể hiện tầm quan trọng của giai cấp công nhân trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tinh thần ngày 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên Công đoàn Thủ đô tin tưởng và quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng đất nước mạnh giàu, Thủ đô Hà Nội phát triển.

LĐTĐ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này