Bước chuyển mình của giao thông Thủ đô

11:54 | 26/04/2022
(LĐTĐ) Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Thành phố hiện đại, là Thủ đô có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay và tương lai đã có những bước chuyển mình lớn. Đó là năng lực hạ tầng giao thông được nâng cao, là vận tải hành khách công cộng đồng bộ và phát triển.
Phát huy hiệu quả tuyên truyền vì Hà Nội văn minh, an toàn Nỗ lực xây dựng, đồng bộ giao thông Thủ đô

Phát triển đồng bộ hạ tầng

Tôi là người theo “chủ nghĩa” lang thang. Thế nhưng, dịch Covid-19 khiến thú vui xê dịch ấy bị gián đoạn. May thay, qua những ngày Hà Nội quyết liệt chống dịch, nhịp sống thường nhật cũng dần khôi phục lại. Và tôi lại có cơ hội để hòa mình vào dòng người trên phố. Giữa phố và người Hà Nội, như vô thức, trong buổi chiều ấy, giữa rực rỡ cờ hoa ngày kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 136 năm Ngày Quốc tế lao động, tôi mãi loanh quanh trên những con đường từ năm cửa ô rồi lại ngược về trung tâm - Hồ Gươm.

Bước chuyển mình của giao thông Thủ đô
Hạ tầng giao thông Hà Nội ngày một đồng bộ và phát triển. Ảnh: Giang Nam

Tôi lặng ngắm những ngôi nhà mới, tầng cao, tầng thấp đủ kiểu Âu - Á, Tây, Đông, những phố xá thênh thang người và xe cộ qua lại. Bất giác, trong tôi cảm giác tự hào và kỳ vọng dâng trào. Không tự hào sao được khi nhiều tuyến đường như: Vành đai 1, Vành đai 2 và một số đoạn tuyến của Vành đai 2,5 cùng Vành đai 3 và 3,5... đang được tích cực khép kín. Nhiều công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng khác như các tuyến đường sắt đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông), số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình... được triển khai và từng bước hoàn thiện dần tạo nên những mối liên kết kinh tế quan trọng để Hà Nội cất cánh trong tương lai.

Chợt nhớ, trong dịp trò chuyện với Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) về công tác quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Ông bảo với tôi, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Hà Nội hướng đến xây dựng đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Để làm được điều đó, cần có một tầm nhìn mới, tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị và những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản. Thực vậy, theo tìm hiểu, hiện Hà Nội đang tập trung vào hai bản quy hoạch lớn là lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây có thể coi là cơ hội để Thành phố tái cơ cấu và chuyển đổi sau dịch bệnh.

Ở khía cạnh giao thông, được biết theo quy hoạch thời gian tới, Thủ đô sẽ có nhiều trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Các trục đường này có quy mô mặt cắt ngang từ 40-60m, tối thiểu 6 làn xe cơ giới. Đó là những trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài khoảng 20km; là trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25km; là trục Hà Đông - Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài khoảng 20km; là trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài khoảng 25km... đây sẽ là điều kiện rất quan trọng tạo cho các đô thị vệ tinh phát triển.

Hướng đến tương lai

Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội đã trở thành một đại đô thị với rất nhiều tiềm năng và cơ hội. Thế nhưng, với đặc thù là thành phố bên sông, Hà Nội cần những cây cầu vượt sông - những mảnh ghép chiến lược để phát triển cân đối, đồng bộ và bền vững.

Trong bức tranh Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó các cây cầu đã được đưa vào khai thác gồm: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh, Văn Lang (cầu Việt Trì-Ba Vì). Ngoài ra, Hà Nội sẽ xây dựng mới các cầu: Hồng Hà, Mễ Sở, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, cầu Vân Phúc...

Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Nền kinh tế phát triển thì kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng phải đi trước một bước. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới mô hình “Thành phố thông minh”, thì giao thông là một trong những lĩnh vực đóng vai trò tiên phong.

Nếu chỉ nhìn nhận đơn lẻ sẽ không thể thấy hết vai trò và tính cấp thiết của các cây cầu vượt sông Hồng trong hệ thống giao thông khung của Hà Nội. Chẳng hạn, khi xâu chuỗi sẽ thấy cầu Vĩnh Tuy đã được tính toán để khớp nối trên một trục với cầu Giang Biên bắc qua sông Đuống, thông đến tỉnh Bắc Ninh và đấu nối vào Vành đai 3. Hướng kết nối này cũng sẽ thu ngắn khoảng cách từ cầu Vĩnh Tuy đến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Tương tự, để giảm tình trạng quá tải cho Vành đai 3 và Quốc lộ 32, bên cạnh việc kết nối các đoạn tuyến có sẵn thì cầu Thượng Cát giữ vai trò rất quan trọng, là mảnh ghép thiết yếu trên “trục lõi” từ cửa ngõ Tây Bắc sang phía Nam Thủ đô.

Không nói đâu xa, ít ngày gần đây, Hà Nội đã công bố những hình ảnh thiết kế rất độc đáo về cầu Trần Hưng Đạo. Theo phương án đề xuất, cầu Trần Hưng Đạo sẽ đi qua địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ); Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy) với tổng chiều dài toàn bộ tuyến khoảng 5,5km. Dự kiến, điểm đầu dự án là ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông thuộc địa bàn phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm). Điểm cuối dự án tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh), thuộc địa bàn phường Gia Thụy (Long Biên).

Chia sẻ về dự án này, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, cho biết: Cầu Trần Hưng Đạo là công trình giao thông trọng điểm của Thành phố và là một trong những cây cầu đường bộ vượt sông Hồng đã được xác định vị trí trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Cây cầu này có nhiệm vụ quan trọng nhằm giảm tải cho các cây cầu hiện có trong khu vực và kết nối giữa khu vực trung tâm Thành phố với khu vực phía Bắc sông Hồng; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Rõ ràng, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Nền kinh tế phát triển thì kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng phải đi trước một bước. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới mô hình “Thành phố thông minh”, thì giao thông là một trong những lĩnh vực đóng vai trò tiên phong. Quanh câu chuyện này, được biết thời gian qua Hà Nội nói chung và Sở Giao thông vận tải Hà Nội nói riêng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông, vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông nhằm lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Đáng chú ý, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đang từng bước triển khai đề án Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh triển khai Kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố; Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông; Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông; Lắp đặt hệ thống camera phục vụ cho công tác quản lý điều hành giao thông trên địa bàn nội thành...

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Hà Nội đang vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm là Thủ đô có vị thế trong khu vực và thế giới. Trong tương lai gần, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển của Hà Nội, trong sự đô thị hóa nhộn nhịp có đường sá, đô thị khang trang, hiện đại./.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này